Syria cung cấp bằng chứng phe đối lập tấn công hóa học

Chính quyền Syria đã trao cho Nga bằng chứng mới chứng minh chính phe đối lập Syria là thủ phạm vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 1.400 người chết.


Nga đang thẩm định bằng chứng cho thấy phe đối lập Syria tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ghouta. Ảnh: AFP

 

Thông tin trên do Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, đưa ra ngày 18/9 sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem hôm trước đó. Ông Ryabkov cho biết Nga sẽ kiểm tra bằng chứng này một cách nghiêm túc trước khi trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ).


Bất chấp sự giận dữ của phương Tây, Nga liên tục cho rằng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 là “chiêu trò” của phe đối lập nhằm kích động phương Tây can thiệp quân sự vào Syria. Theo ông Ryabkov, Nga thất vọng với báo cáo của LHQ về kết quả điều tra vụ tấn công trên, cho rằng báo cáo đó không đầy đủ, thiên vị và bị chính trị hóa.


Ông Ryabkov đang có mặt tại Syria để trình bày với chính quyền nước này về thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học mà Nga và Mỹ vừa đạt được ở Geneva (Thụy Sĩ). Ông đã nhấn mạnh với Ngoại trưởng Syria Muallem rằng điều quan trọng là phía Syria phải nghiêm túc và nhanh chóng giao nộp thông tin về vũ khí hóa học cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học - bước đầu tiên của thỏa thuận Nga - Mỹ.


Trong cuộc gặp, Thứ trưởng Ryabkov cũng trấn an Syria là không có cơ sở nào để Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết dựa theo chương 7 của Hiến chương LHQ, theo đó cho phép sử dụng vũ lực và trừng phạt cứng rắn. Chương 7 chỉ được cân nhắc nếu Hội đồng Bảo an xác minh được Syria vi phạm Công ước vũ khí hóa học.


Về phần mình, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố Syria hết sức tin tưởng vào quan điểm của Nga, và cho rằng sáng kiến của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế đã giúp ngăn chặn được một xung đột mới tại khu vực Trung Đông.


Trước đó, tại cuộc họp của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, các nhà ngoại giao đã thảo luận một văn bản do Pháp đề xuất, trong đó yêu cầu một hành động theo Chương 7 của Hiến chương LHQ nếu ông Assad không tuân thủ kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học. Mỹ cũng nhất quyết muốn coi Chương 7 là một lựa chọn trong điều kiện của thỏa thuận Nga - Mỹ.


Liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học Syria, trưởng nhóm thanh sát viên của LHQ Aake Sellstroem ngày 18/9 cho biết họ sẽ sớm quay trở lại Syria để tiếp tục điều tra những cáo buộc nhằm vào cả chính quyền Damascus và phe đối lập.

 

Thủ tướng Syria Wael Nader al-Halqi ngày 17/9 tuyên bố Syria có biện pháp khác để giành chiến thắng trước kẻ thù mà không cần tới vũ khí hóa học. Ông al-Halqi nhấn mạnh rằng Syria có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa tấn công của đối phương bằng đường không và các loại tên lửa tiên tiến. Việc đồng ý giải giáp kho vũ khí hóa học không có nghĩa là nước này không còn cách nào để giành thế cân bằng chiến lược.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN