Những căng thẳng trong quan hệ giữa Syria (Xyri) và Thổ Nhĩ Kỳ, từng một thời là đồng minh, đã leo thang sau vụ việc các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ chặn một máy bay chở khách của Syria đang trên đường từ Moscow (Mátxcơva) tới Damascus (Đamát) ngày 10/10, tạm giữ một số hàng hóa.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 11/10 tuyên bố chiếc máy bay trên chở "đạn dược" chuyển đến Bộ Quốc phòng Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Nguồn: Internet. |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ancara, ông Erdogan cho rằng máy bay dân dụng không được phép chở "hàng hóa phi dân sự" và vì vậy chiếc máy bay nói trên của Syria không được phép đi qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vụ việc ngày 10/10, hai máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ xuất kích ép chiếc máy bay chở khách của Syria hạ cánh khẩn cấp xuống Ancara do có nguồn tin tình báo cho rằng máy bay này chở khí tài đến Syria.
Phát biểu trên kênh thời sự NTV, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ số hàng trên là "trang thiết bị và đạn dược" được một nhà cung cấp quân sự của Nga chuyển cho Bộ Quốc phòng Syria.
Ông Erdogan không nêu đích danh công ty này nhưng cho biết đây là đối tác Nga của Tập đoàn Công nghiệp cơ khí và hóa chất Thổ Nhĩ Kỳ - nhà cung cấp trang thiết bị quân sự chính cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Erdogan cho biết thêm số hàng bị tịch thu vẫn đang được các cơ quan hữu quan kiểm tra rất tỉ mỉ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi một công hàm ngoại giao đến Lãnh sự quán Syria ở thành phố Istanbul nhắc nhở về "sự vi phạm luật hàng không dân dụng" của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không quốc gia Syria kể trên.
Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh "mọi hành động chuyển giao bất cứ trang thiết bị quân sự nào cho chính quyền Syria vào thời điểm hiện tại đều hết sức đáng quan ngại".
Tuy nhiên, Syria và Nga đều bác bỏ các cáo buộc trên. Bộ Ngoại giao Syria khẳng định những tố cáo của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ là "hoàn toàn sai sự thật" và thể hiện thái độ thù địch với Syria.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh: "Hàng hóa trên chiếc máy bay này đã được chú giải chi tiết trong vận đơn và máy bay không chở bất cứ vật liệu trái phép hay vũ khí nào".
Hãng hàng không quốc gia Syria tố cáo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã "ngược đãi" đội bay trên chiếc máy bay bị Ancara chặn giữ. Giám đốc Hãng hàng không, Aida Abdel Latif cho biết giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành động ngược đãi đội bay trước khi cho phép máy bay này cất cánh rời đi, song không nêu cụ thể các hành động đó.
Liên quan đến quan hệ hai nước, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Syria đã quyết định ngừng mua điện của Ancara từ một tuần trước, song không cho biết lý do.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn nguồn tin giấu tên của một cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga cho biết không có vũ khí của Nga trên máy bay Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ chặn giữ. Nguồn tin nhấn mạnh: "Không có vũ khí cũng như bất cứ loại hệ thống hay trang thiết bị quân sự nào trên khoang máy bay đó".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định hoãn chuyến thăm theo kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ song không nêu lý do. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Ancara giải thích về vụ chặn giữ máy bay chở khách của Syria cất cánh từ Moscow đi Damascus, nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa tính mạng của hành khách bằng việc buộc máy bay này hạ cánh xuống sân bay Ancara.
Được biết có 17 hành khách người Nga đi trên chuyến bay đó. Tuy nhiên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ancara không nhận được chất vấn chính thức nào từ phía Moscow liên quan tới vụ chặn giữ máy bay Syria.
Trong khi đó, tại Syria giao tranh quyết liệt vẫn tiếp diễn giữa quân chính phủ và quân chống đối. Truyền thông Syria cũng như các tổ chức hoạt động cho biết tối 11/10, một vụ nổ lớn đã xảy ra gần tòa nhà Bộ Tư pháp ở thủ đô Damascus. Truyền hình Syria đưa tin có ít nhất hai người bị thương trong vụ tấn công "khủng bố" này.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh), ít nhất 210 người đã thiệt mạng trong ngày 11/10 tại Syria, đặc biệt trong đó có ít nhất 87 binh sĩ.
Nếu được xác nhận, đây là ngày mà quân đội Syria thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở quốc gia Trung Đông này cách đây 19 tháng. SOHR cho rằng có tới 36 binh sĩ thiệt mạng trong giao tranh ở tỉnh Idlib, Đông bắc Syria.
Đây đang là mặt trận rất khốc liệt, đặc biệt xung quanh thị trấn chiến lược Maaret al-Numan nằm trên tuyến đường cao tốc nối Damascus với Aleppo. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một nhân chứng nói rằng ngày 11/10, quân chống đối đã cắt đứt hoàn toàn tuyến cao tốc này, chặn hoạt động tăng cường của quân đội Syria cho các trận chiến ở miền Bắc.
Trong một động thái khác, ngày 11/10, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU sẽ tiếp tục phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với 28 cá nhân và hai công ty Syria.
Thỏa thuận này sẽ được các Ngoại trưởng EU công bố chính thức đầu tuần tới và đây là gói trừng phạt thứ 20 mà EU áp đặt với Syria kể từ nổ ra khủng hoảng tại nước này. Tổng cộng đã có 53 tổ chức và 155 cá nhân ở Syria bị EU áp đặt trừng phạt.
TTXVN/ Tin Tức