Không phải sử dụng ngân sách Nhà nước
Kể từ khi Đề án 254 được triển khai, ngay trong hai năm 2012 và 2013, có 9 ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đã được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các biện pháp khác nhau như hợp nhất (SCB, Ficombank, Tinnghiabank), sáp nhập (Habubank vào SHB) và tự tái cơ cấu (Tienphongbank, Trustbank, Navibank, Westernbank và GP bank).
Trong năm 2015, đã có 4 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), đó là Sacombank - Southern Bank, Maritime Bank - MDB, BIDV - MHB và VietinBank - PGBank. Ngoài ra, để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã quyết định mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng là Ngân hàng cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB). NHNN cũng đã đưa DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt, cử cán bộ của ngân hàng khác sang điều hành hoạt động tại ngân hàng này.
Theo đánh giá của TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại NHTM diễn ra thành công, trong đó quan trọng là NHNN mua lại 3 NHTM yếu kém với giá 0 đồng mà không phải sử dụng đến ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định pháp luật mới ra đời nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động M&A các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng tốt hơn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. Điều này đã giúp đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Để đạt được những kết quả đáng phấn khởi như vậy, một phần là do chúng ta làm một cách đồng bộ và được sự hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có các ngân hàng có hội sở chính. Theo đó, việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại, xử lý các ngân hàng yếu kém đã tạo ra các NHTM có quy mô lớn hơn, khả năng hoạt động tốt hơn, năng lực tài chính tốt hơn, đảm bảo được NHTM trong giai đoạn mới”. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, điều đáng mừng là sau khi tái cơ cấu, đến nay các ngân hàng đã dần hoạt động lại bình thường, thanh khoản đã được cải thiện và đảm bảo những yêu cầu huy động vốn, cho vay cũng như cung ứng các sản phẩm dịch vụ cho nền kinh tế. “Điển hình như Ngân hàng Đông Á, sau khi NHNN tiến hành giải pháp kiểm soát đặc biệt ngân hàng này, chỉ qua thời gian ngắn khoảng 10 ngày, Ngân hàng Đông Á đã trở lại hoạt động bình thường cho đến nay”, ông Minh nói.
Vẫn cần nâng cao quản trị ngân hàng
Theo TS Bùi Quang Tín, mặc dù ba mục tiêu quan trọng là tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động quản trị của NHTM đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực, song vẫn cần có thời gian và những giải pháp khác bổ sung để giải quyết triệt để hơn vì đây là một việc khó đối với bất kể quốc gia nào. Bởi trên thực tế, các thương vụ M&A thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. Theo đó, vấn đề quản trị rủi ro hậu sáp nhập là một trong những yếu tố quyết định thương vụ M&A đó có thành công được hay không.
“Cụ thể, các ngân hàng hậu M&A cần phải quản lý được tốt hơn hệ thống quản lý rủi ro của mình, đặc biệt là rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản, các khoản nợ xấu cần phải được xử lý trước khi tiến hành M&A, nếu không thì ngân hàng hậu M&A vẫn chỉ là một ngân hàng không khỏe mạnh”, TS Tín nói. Bên cạnh đó, quản trị về mặt nhân sự, hoạt động, công nghệ và thương hiệu cũng là những nội dung quan trọng cần phải được đầu tư và thực hiện một cách cẩn trọng, nếu không quá trình M&A vẫn chưa được xem là thành công trong thời gian tới.
TS Tín cũng đưa ra một số hạn chế mà các NHTM đang gặp phải như: Năng lực cạnh tranh và quản trị, điều hành của nhiều TCTD chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế vào trong hệ thống quản trị TCTD. Một số giải pháp còn mang tính tình thế, đặc biệt là xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân Công ty VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức mua đứt bán đoạn. Chưa kể, sở hữu chéo giữa các TCTD cũng đang là rào cản lớn nhất, thao túng và ảnh hưởng đến cả hệ thống trong quá trình xử lý, tái cơ cấu các TCTD. Cụ thể, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD vẫn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng lo ngại, trước cận kề hội nhập TPP và AEC, sẽ có nhiều ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, gây sức ép rất lớn cho ngân hàng nội nếu không nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Thực tế cho thấy, hiện có 26 TCTD ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, gồm 3 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài và 23 ngân hàng là chi nhánh của ngân hàng ở nước ngoài. Tuy huy động vốn và dư nợ cho vay của các ngân hàng này chiếm thị phần tương đối khiêm tốn trên địa bàn, khoảng 12% trên tổng huy động nguồn vốn và 9,47% trên tổng dư nợ cho vay trên toàn TP Hồ Chí Minh, nhưng nhìn một cách khách quan, họ sử dụng đồng vốn rất hiệu quả và khả năng an toàn vốn, khả năng sử dụng tài sản rất cao. Các NHTM trong nước cần phải học tập, kể cả những ứng dụng công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực của các ngân hàng nước ngoài để có thể cạnh tranh trong thời gian tới.