“Tam nông” ở Điện Biên Đông

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết tam nông vào cuộc sống, bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi thay rõ nét. Thực hiện tốt chính sách tam nông được xem là một trong những giải pháp hàng đầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở Điện Biên Đông.


Lồng ghép các nguồn vốn


Là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, với hơn 90% dân cư là nông dân, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, trong những năm qua, lãnh đạo huyện Điện Biên Đông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từng bước chuyển từ tự cung tự cấp, sang sản xuất hàng hóa. Huyện đã phát huy tối đa vai trò của người nông dân, gắn nông dân với ruộng đất, quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho nông dân nông thôn gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Làm hệ thống kênh mương đảm bảo tưới tiêu cho cây trồng.


Để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững giúp cho người nông dân có thu nhập, Điện Biên Đông đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như: Vốn 134, 135, 30a, để xây mới nhiều công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới hai vụ lúa cho các cánh đồng trọng điểm trên địa bàn như cánh đồng Sư Lư xã Na Son, cánh đồng bản Giói xã Luân Giói, cánh đồng Pá Vạt xã Mường Luân… Toàn huyện có 122 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, cung cấp nước tưới thường xuyên hàng năm cho 570 ha lúa vụ đông xuân và trên 1.580 ha lúa vụ mùa.


Sau khi hệ thống thủy lợi được đầu tư, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang ruộng nước và làm nương có bờ để thâm canh lúa nước, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

 

Gieo trồng đỗ xanh trên những chân ruộng màu.


Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân tại các xã trong huyện đã tập trung khai hoang mới được hàng trăm ha ruộng nước, mở rộng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng của huyện Điện Biên Đông lên gần 20.000 ha. Hàng năm, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân trong huyện đã đưa nhiều giống mới vào canh tác. Bên cạnh lúa là cây lương thực chủ đạo, đồng bào còn gieo trồng thêm nhiều loại cây lương thực khác như: Sắn, ngô, lạc, đậu tương..., nâng dần hệ số sử dụng đất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây lương thực tại các xã, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Những chính sách ưu tiên phát triển cho nông nghiệp triển khai trong những năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng từ 2,84 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 3,9 triệu đồng/người/năm (năm 2013).


“Việc thay đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp được Điện Biên Đông triển khai để tăng thu nhập cho người nông dân. Đến nay 13/13 xã trong huyện đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đang tích cực bắt tay vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn.

Đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào trồng ở những chân ruộng thấp.

Nhiều tuyến đường giao thông trong huyện đã được đầu tư mở mới và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông, giao thương hàng hóa của người dân, các công trình nước sạch đã được đầu tư cho các xã bản. Đã có 80% dân số của huyện được cấp nước sinh hoạt tập trung. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được đầu tư cho 12/13 xã đạt trên 92%, tỉ lệ số hộ gia đình được dùng điện thường xuyên đạt trên 45,5% tăng hơn 12% so với năm 2008. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giáo dục và đào tạo ngày càng được quan tâm thực hiện có hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Trọng Huế khẳng định.


Vẫn còn nhiều việc phải làm


Ông Vàng A Cử, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng tự hào trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhưng với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Điện Biên Đông vẫn còn nhiều bất cập. Sản xuất nông, lâm ngư nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, huyện vẫn chưa xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có năng suất cao, khối lượng sản phẩm lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Giá trị sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông thôn còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa thực sự tạo ra động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn trên địa bàn. Do đó, huyện vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hiện tại tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức trên 50%. Đây là những thách thức lớn, đòi hỏi huyện Điện Biên Đông cần tiếp tục có giải pháp để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách tam nông trong thời gian tới.


“Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, bên cạnh tăng cường tuyên truyền tới nhân dân để tạo ra sự đồng thuận cao trong xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Điện Biên Đông cần tiếp tục cân đối các nguồn lực đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, tiếp tục lấy nông nghiệp làm hướng phát triển kinh tế chính, tập trung cho nông nghiệp và nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp mà huyện đã đề ra trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, phấn đấu đến năm 2020 đưa Điện Biên Đông ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước”, Chủ tịch UBND huyện Vàng A Cử chia sẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN