Ngày 30/9, tại hội thảo “Chất lượng hóa mỹ phẩm và sức khỏe người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng cho rằng để bảo vệ người tiêu dùng (NTD), bên cạnh việc tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn tiêu dùng cần có thêm các công cụ và hoạt động hữu hiệu, làm chức năng cầu nối giữa NTD và doanh nghiệp.
Qua đó, giúp NTD xác định được địa chỉ đáng tin cậy để mua hàng hóa, dịch vụ một cách an toàn với giá cả hợp lý, được hưởng các dịch vụ bán hàng chu đáo, tận tụy và tuân thủ đúng quy định của luật.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Vinastas nhận định: Hàng giả, hàng nhái hóa mỹ phẩm phổ biến trên thị trường cho thấy các hệ thống kinh doanh, thông tin về hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp kinh doanh hóa mỹ phẩm chưa đến với NTD và giá cả cũng chưa phù hợp nhu cầu người dân. Hiện hàng giả, hàng nhái không chỉ bày bán trên hè phố, chợ truyền thống mà len lỏi vào tận các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại… Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống cảnh báo an toàn hóa mỹ phẩm trong nước; hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm định đáp ứng được yêu cầu từ phía cơ quan thực thi lẫn nhà sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm... để thông tin cảnh báo an toàn về các sản phẩm hóa mỹ phẩm có chứa độc tố hoặc trong thành phần có sử dụng chất tiềm ẩn mối nguy cơ gây hại đến sức khỏe NTD.
8 tháng qua, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã xử lý 145 vụ vi phạm về hàng hóa mỹ phẩm với số tiền phạt hơn 1,3 tỉ đồng và trị giá hàng tiêu hủy 500 triệu đồng. Việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những loại hàng giả, hàng nhái hóa mỹ phẩm nhìn chung có tác động nhất định nhưng chưa thật sự ngăn chặn triệt để và đạt kết quả cao.
Mỹ Phương