Giá thuốc cao do độc quyền, trung gian
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 25/3 về Luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, có nhiều loại thuốc đang bị một số công ty độc quyền cung cấp, khiến giá bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, quá trình cấp phép phải qua nhiều tầng trung gian nên giá thuốc bị đẩy lên cao. Như thuốc viêm gan C nhập về chỉ 200 USD (4,4 triệu đồng) nhưng bị đẩy lên tới 14 triệu đồng khi tới tay người tiêu dùng. Do vậy, cần bổ sung các quy định để không có kẽ hở về việc độc quyền và nâng giá thuốc.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần bổ sung biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá vẫn cao, có phải do độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớp trung gian và tiêu cực trong kê đơn? Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa với gần 2.000 công ty.
Còn theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), tình trạng mua bán thuốc chưa được quản lý tốt, hiện nay, thuốc biệt dược, thuốc nhập khẩu vẫn đi lòng vòng, đẩy giá thuốc lên. Vì vậy, cần có chế tài mạnh, quy định chi tiết từ quản lý con người, quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, cần công bố giá thuốc đấu thầu. Nếu giá thuốc chênh lệch bất hợp lý thì Bộ Tài chính, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ để điều chỉnh cho hợp lý.
Làm rõ thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Một vấn đề khác cũng được khá nhiều đại biểu quan tâm, góp ý đó là chất lượng thuốc, thuốc như thế nào bị coi là thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Đại biểu Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Về khoản 31c điều 2 giải thích từ ngữ "Các trường hợp là thuốc giả có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đăng ký do cố ý". Chúng ta phải làm rõ như thế nào là do cố ý. Vì khi không chứng minh được cố ý thì không chứng minh được đó là thuốc giả. Do vậy, phải phân định rõ thuốc giả hay thuốc không bảo đảm chất lượng, vì cả hai cùng bị nghiêm cấm kinh doanh nhưng mức độ xử lý khác nhau”. Về Điều 7, hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị tách riêng thuốc giả để thấy mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm. Chúng ta đã có khung hình phạt tới tử hình, vì thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh mạng người dân, gây thiệt hại kinh tế. Cần quy định về trách nhiệm bồi thường khi người bệnh đã sử dụng thuốc giả.
Còn theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), uống phải thuốc giả không những mất tiền mà còn không chữa được bệnh, nảy sinh kháng thuốc khiến khám chữa bệnh khó khăn hơn, có khi còn nguy hiểm tới tính mạng. Ở nước ngoài, nếu kháng sinh 500 mg mà chỉ đạt 497 mg đã bị coi là thuốc giả. Do vậy, các cơ sở kinh doanh, sản xuất không đạt tiêu chuẩn thì bị coi là thuốc giả.
Về thời hạn thu hồi thuốc, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, quy định thời gian thu hồi thuốc là 5 ngày với vi phạm mức độ 1 (ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người sử dụng) là quá nhiều, chỉ nên quy định là 48 tiếng (2 ngày). Với vi phạm mức độ 2 quy định thu hồi trong 30 ngày và mức độ 3 trong 45 ngày cũng không hợp lý. Thời gian quá dài sẽ khiến nhiều người dân không biết, sẽ tốn tiền mua thuốc; đồng thời các cơ sở có thời gian để tẩu tán thuốc.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội còn cho rằng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang được quảng cáo, bán tràn lan nhưng lại chịu rất ít sự quản lý. Do vậy, cần bổ sung các quy định quản lý chặt hơn trong Luật An toàn thực phẩm và Luật Hóa chất. Ngoài ra, cần bổ sung các cơ sở bán thuốc theo đơn của bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng về bộ máy, nhân lực cho nhiều bệnh viện vốn đã trong tình trạng quá tái.