Đó là nội dung chính của Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng”, diễn ra ngày 27/9, với sự chủ trì của Bộ Y tế và tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành phố.
Nhiều điểm tiêm chủng chưa đạt chuẩn
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng (TC), Bộ Y tế đã xây dựng rất nhiều quy định làm “kim chỉ nam” cho hoạt động chuyên môn và giám sát tại các địa phương. Đặc biệt, ngày 21/8/2013, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3029 về việc phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác an toàn TC. Mục tiêu đặt ra là từ tháng 8 đến tháng 10/2013, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tập huấn, cấp chứng chỉ cho tất cả các cán bộ TC, đồng thời kiểm tra điều kiện và việc bảo quản vắcxin của tất cả các điểm TC trên toàn quốc.
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra vắcxin và trang thiết bị phục vụ tiêm chủng tại trạm y tế xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Tuy nhiên, đến nay, các đoàn kiểm tra từ Trung ương xuống địa phương mới kiểm tra được khoảng 50% trong số hơn 16.600 điểm TC trên toàn quốc. Tỷ lệ các điểm TC đáp ứng đủ các quy định đạt khoảng 70 - 80%. Những “lỗi” thường gặp gồm: Điểm tiêm chật, không đủ điều kiện để thực hành quy trình TC 1 chiều; một số trạm y tế chưa nắm rõ số trẻ và thời gian tổ chức buổi tiêm; sắp xếp, bố trí điểm TC chưa hợp lý; nhiều cán bộ chưa được tập huấn lại. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát của tuyến trên đối với tuyến dưới chưa thường xuyên, chủ yếu chỉ hỗ trợ kỹ thuật...
“Qua kiểm tra 60 điểm TC ở khu vực phía Nam cho thấy, có tới 85% điểm chưa đủ điều kiện TC, trong đó tỷ lệ chưa đạt ở khu vực TC mở rộng là 70%, ở TC dịch vụ là 85%, đặc biệt không một điểm TC nào ở bệnh viện đạt tiêu chuẩn quy định”, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác TC, ông Lê Quang Thọ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, cũng cho hay: “Công tác đảm bảo an toàn TC tại Phú Thọ cũng đang gặp một số khó khăn: Một số tủ bảo quản vắcxin được trang bị đã lâu, thường xuyên phải sửa chữa, thay thế phụ tùng... Các sự cố tai biến dẫn tới tử vong trẻ em do sử dụng vắcxin (viêm gan B sơ sinh, Quinvaxem) xảy ra thời gian gần đây tại một số địa phương đã gây cho người dân tâm lý hoang mang, e ngại nên ảnh hưởng đến kết quả triển khai chương trình TC mở rộng”.
Chưa kiểm tra, chưa được tiêm
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, dự kiến số lượng trẻ đến các điểm TC tăng gấp 3 lần so với thông thường, nên công tác kiểm tra giữ vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn TC. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo nơi nào chưa được kiểm tra và chưa đạt các tiêu chí quy định thì chưa tổ chức TC”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hữu Quý, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, khẳng định: “Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, đã chỉ đạo các địa phương, nơi nào đủ điều kiện quy định thì mới tổ chức TC. Đến nay, Ninh Bình đã kiểm tra được 97% số điểm tiêm, trong đó chỉ có 4 điểm tiêm không đạt tiêu chí về việc ghi chép hồ sơ, cơ sở vật chất. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo biện pháp khắc phục tồn tại tại các điểm tiêm này”.
Chỉ ra một “lỗ hổng” lớn trong hệ thống TC cần khắc phục ngay, ông Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Thời gian qua, các sự cố nghiêm trọng thường xảy ra ở khoa sơ sinh, bệnh viện phụ sản. Do đó, cần chú trọng công tác kiểm tra các điểm TC tại các cơ sở y tế này”.
Tại các bệnh viện (gồm cả TC dịch vụ) phải bố trí phòng tiêm riêng cho trẻ, nếu tiêm cho bà mẹ và cho trẻ sơ sinh ngay cùng một điểm tiêm thì khó đảm bảo an toàn TC. Ngoài ra, cần tổ chức huấn luyện cho tất cả cán bộ tham gia hoạt động TC, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, nhất là phải có tủ bảo quản vắcxin riêng và các phương tiện để xử trí tai biến. Đặc biệt, cần phải định kỳ kiểm tra công tác đảm bảo an toàn TC tại các khoa sơ sinh.
GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng: “Báo cáo quá trình kiểm tra công tác an toàn TC cần tránh làm theo kiểu “vở sạch, chữ đẹp”, chỉ nêu tồn tại chung chung. Nghĩa là, cần phải công bố trước các phương tiện thông tin đại chúng đích danh địa phương, đơn vị chưa đảm bảo công tác an toàn TC để các đồng chí lãnh đạo các UBND biết và có trách nhiệm”.
Theo GS Huấn, ngoài việc tổ chức chiến dịch kiểm tra như hiện nay, thì các địa phương, ngành y tế còn cần làm tốt công tác hậu kiểm. Tiếp tục hoạt động giám sát công tác an toàn TC từ Trung ương xuống địa phương và phải giám sát tất cả các buổi TC. Việc xử lý tai biến tại địa phương cũng cần triển khai tốt hơn và cần vào cuộc ngay khi tai biến mới xảy ra.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác thanh tra toàn diện, sau đó cần tổng kết khen thưởng và xử lý những đơn vị, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định về an toàn TC. Các Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ nguồn lực và chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở y tế khắc phục những tồn tại phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát”.
Về phía ngành y tế, sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các điểm TC chưa được kiểm tra. Sau đó, sẽ tiến hành “xếp loại” việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn TC tại các địa phương. Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về TC. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm định chất lượng tất cả các lô vắcxin theo đúng quy định trước khi đưa vào sử dụng.
“Tôi lo nhất là làm sao thực hiện tốt quy định chỉ được tiêm cho 50 trẻ/điểm/ngày TC. Trước đây, mỗi xã thường chỉ tổ chức 1 điểm tiêm vào 1 ngày trong tháng nên số lượng trẻ tại các điểm tiêm thường rất đông, có nhiều nơi lên đến hàng trăm cháu/buổi tiêm”.
(TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) |
Phương Liên