Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 29/8 ở Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt 10%, thấp hơn so với mục tiêu 12- 14% mà NHNN đề ra hồi đầu năm.
*Tín dụng vẫn tăng “ì ạch”
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến ngày 21/8, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế tăng 4,33% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tính đến nay, mức tăng trưởng tín dụng vẫn đang rất “ì ạch”, chỉ đạt trên 1/3 so với mục tiêu 12- 14% của cả năm. So với cùng kỳ năm 2013, khi tín dụng tăng trưởng 6,4%, mức tăng 4,5% của tín dụng trong 8 tháng năm nay cũng không quá thấp. “Tín dụng thường tăng vào dịp cuối năm. Vì thế, hết năm khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 10%. Còn nếu đạt được trên mức 10% là rất tốt”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cũng thông tin thêm, đến ngày 21/8, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,66%, huy động vốn tăng 8,12%; trong đó, huy động bằng VND tăng 8,77%, huy động bằng ngoại tệ tăng 4,2% so với cuối năm 2013; thanh khoản của các TCTD tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đưa ra nhiều sản phẩm ưu đãi cho doanh nghiệp. Ảnh Trần Việt- TTXVN |
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ giữa tháng 8/2014, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động bằng VND ở các kỳ hạn ngắn, Đại diện NHNN cho rằng: Việc này là do tính chủ động của các TCTD, họ tự cân đối đầu vào, chi phí, tài chính để hạ lãi suất kỳ hạn ngắn.
Trả lời báo giới về khả năng giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Việc điều hành lãi suất của NHNN phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Với mức kỳ vọng lạm phát cả năm 2014 khoảng trên 5% thì mức trần lãi suất 6% mà NHNN đang áp dụng là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích người gửi tiền và vay tiền.Phó Thống đốc cũng khẳng định, trên cơ sở hạ lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ tự cân đối đầu vào, chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ. Mức lãi suất cho vay của các TCTD theo tính toán của NHNN sẽ giảm khoảng 1- 1,5%/năm trong cả năm 2014. Hiện, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm. Đến ngày 14/8, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45%, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,45%.
Nợ xấu tăng do hấp thụ vốn yếu
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Phía NHNN lý giải nguyên nhân nợ xấu tăng như vậy là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, cho nên tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên.
Bên cạnh đó, một yếu tố nữa khiến nợ xấu tăng trong thời gian qua là việc thực hiện Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, theo đó các TCTD phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn. Cụ thể, theo quy định cũ, các TCTD chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới thì cả khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng phải xếp hạng nợ vì thế nợ xấu mới gia tăng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), từ tháng 10/2013 đến nay, công ty này đã mua được 58.937 tỷ đồng của 35 TCTD (gồm 2.057 khách hàng và 3.536 khoản nợ) với giá mua 48.976 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2014 tới nay, VAMC đã mua được 19.630 tỷ đồng nợ xấu gốc, của 1.044 khách hàng và 1.899 khoản nợ vay, với giá mua 16.237 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy tốc độ mua nợ xấu của VAMC đã phần nào “chững” lại, chứ không rốt ráo như cuối năm 2013 khi công ty này vừa ra đời. Thừa nhận điều này nhưng ông Hùng chia sẻ, VAMC mua nợ xấu theo lộ trình và kế hoạch cơ cấu lại nợ của các TCTD. “Chúng tôi phải xem chất lượng các khoản nợ đó ra sao thì mới mua lại, chứ không phải mua nợ để lấy lãi, họ muốn bán bao nhiêu cũng mua”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Giải thích về việc số nợ xấu mà VAMC mua được quá ít so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng VAMC không phải là “cây đũa thần”, hơn nữa do ngân sách cấp cho VAMC có hạn nên công ty này cũng chỉ là một trong những giải pháp xử lý nợ xấu. Cách thức xử lý nợ xấu như VAMC là phù hợp, bởi tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục cho vay, giảm lãi suất cho vay, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Minh Phương- Đỗ Huyền