Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, toàn tỉnh Nghệ An đã có 112.000 sinh viên thuộc 93.000 hộ gia đình đang vay vốn với tổng dư nợ đạt 2.237 tỷ đồng. Chính sách đã đi vào cuộc sống góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An làm thủ tục cho các gia đình tại xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên vay vốn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN |
Với 4 sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vợ chồng anh Trần Văn Dũng và chị Lê Thị Dung ở xóm 4 xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên lo đủ ăn, đủ mặc đã khó, chưa nói đến cho con cái học hành. Căn nhà cấp 4 đơn sơ giản dị, đồ đạc vật dụng gia đình cũng chẳng có gì, nhưng 4 người con của anh chị đều học giỏi. Thấy con ham học và học giỏi, anh chị cũng cố gắng làm thêm 2 sào đất màu, chăn nuôi gia súc gia cầm, thậm chí đi làm thuê để nuôi con ăn học. "Đứa lớn rồi đứa bé nối tiếp nhau vào đại học, gia đình lúc ấy đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhưng nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã giảm gánh nặng cho gia đình trong quá trình nuôi con ăn học, các cháu có tiền trang trải một phần chi phí để tiếp tục học tập”, anh Trần Văn Dũng bày tỏ.
Dù khó khăn về kinh tế nhưng gia đình anh chị luôn là điển hình của một gia đình hiếu học. Hiện tại, con trai đầu của anh chị đã tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, ra trường tìm được việc làm và dần trả nợ cho ngân hàng. Anh Dũng và chị Dung cũng đang tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hưng Nguyên để “tiếp sức” cho hai người con khác đang là sinh viên Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Xây dựng.
Tương tự, gia đình ông Ngô Văn Nhật và bà Nguyễn Thị Phượng cũng thuộc hộ nghèo lâu năm của xã Hưng Lam. Thu nhập chính của gia đình chủ yếu bằng nghề nông. Nhờ chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên mà cô sinh viên Ngô Thị Ngọc - con gái của ông Nhật mới có thể tiếp tục duy trì việc học tập ở trường Đại học Y Hà Nội. “Kinh tế gia đình khó khăn, trong lúc đó chuyên ngành cháu theo học lại quá dài, tới tận 7 năm trời. Nếu không có chương trình vay vốn ưu đãi của Chính phủ, e rằng gia đình tôi khó có thể duy trì nuôi cháu ăn học đến khi tốt nghiệp”, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Chỉ tính riêng học kỳ I năm học 2014 - 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giải ngân 195 tỷ đồng cho 18.000 sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh vay vốn đi học. Nguồn vốn hỗ trợ đến được đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có thêm động lực, niềm tin tiếp nối ước mơ tới trường cho con em mình.
Hiện, mạng lưới 8.330 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín trên khắp các thôn, xóm trong toàn tỉnh cùng 478 điểm giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội là những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện dân chủ công khai từ cơ sở, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách. Với thời hạn cho vay dài, vốn vay quay vòng chậm (bình quân từ 7 - 8 năm) nên ngân hàng cần thực hiện tốt công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn, thực hiện phân kỳ hạn trả nợ với khách hàng vay vốn khi sinh viên ra trường, tạo ý thức trách nhiệm của hộ vay trong việc trả nợ ngân hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện giảm lãi 50% đối với khách hàng trả nợ trước hạn.
Sau 7 năm thực hiện, doanh số thu nợ là 635 tỷ đồng, đạt trên 70% nợ đến hạn. Thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An thì cơ cấu dư nợ theo trình độ đào tạo có số học sinh, sinh viên học đại học, cao đẳng, trung cấp dư nợ chiếm 99,96%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học nghề dưới 1 năm vay vốn còn quá thấp, chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ. Trong khi đó, mục tiêu của chương trình xác định là nguồn trả nợ phải chủ yếu từ thu nhập của học sinh, sinh viên sau khi ra trường có việc làm ổn định. Tuy nhiên, do bất cập trong công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp nên học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm, không có thu nhập trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn thì việc thu hồi nợ đến hạn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đến đúng đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đang tranh thủ mọi nguồn vốn, tập trung thu hồi nợ đến hạn để giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên khi vào đầu các kỳ học.
Tại Nghệ An, mỗi năm cần khoảng 660 tỷ đồng để giải ngân, doanh số cho vay trong 3 năm ước khoảng 3.300 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ 2.000 tỷ đồng. Nghệ An phấn đấu đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay đối với học sinh, sinh viên đạt 5.040 tỷ đồng; doanh số nợ đến hạn dự kiến là 1.900 tỷ đồng, ước thu nợ đạt 1.300 tỷ đồng (đạt 70% nợ đến hạn), tạo nguồn vốn cho vay quay vòng.
Bên cạnh đó, chính quyền các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có cơ sở thực hiện việc xác nhận các hộ gia đình vay vốn Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đúng đối tượng theo quy định.
Bích Huệ