Dự án di dân buôn Mả Vôi, thuộc xã Đức Bình Tây (huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) được triển khai để di dời 69 hộ dân là đồng bào dân tộc Ê đê đang sống ở buôn Mả Vôi cũ nằm ven bờ sông Ba thường xuyên bị sạt lở đến nơi ở mới an toàn hơn.
Năm 2012, dự án đã cơ bản hoàn thành với một số hạng mục hạ tầng như: Đào 3 giếng nước, làm 4 km đường giao thông nội vùng, hệ thống điện, 3 phòng học, nhà sinh hoạt cộng đồng và phân 70 lô đất ở. Sau đó, huyện Sông Hinh tiến hành di dời dân, nhưng đến nay chỉ có 28 hộ chịu đến nơi ở mới.
Anh Y-BLao, Bí thư chi bộ buôn Mả Vôi, cho biết: Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu định cư mới, bà con ai cũng mừng và đồng tình. Bà con chưa đi được là do hỗ trợ tiền quá thấp; chỉ 20 triệu đồng/hộ, trong khi hầu hết là đồng bào nghèo và muốn làm nhà sàn. Nhà ở đây nhỏ nhất cũng phải tốn 70 - 80 triệu đồng, nên không đủ để bà con đi.
Hiện nay, hơn 40 hộ vẫn còn ở tại buôn Mả Vôi cũ đang ở trong điều kiện rất nguy hiểm, vì nhà của bà con nằm cách bờ sông Ba chỉ vài chục mét. Trong khi đó, năm nào cũng vậy, mỗi khi vào mùa mưa cộng với lúc Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ đều “ăn” vào đất liền từ 3 - 7 m. Hậu quả, bà con không chỉ mất đất sản xuất mà hàng chục nhà dân đang đứng trước nguy cơ bị nước cuốn trôi.
Ông Phạm Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây khẳng định: Mặc dù bà con còn khó khăn nhưng xã tiếp tục vận động các hộ còn lại vào buôn mới ở. Hiện nay, bà con đang thu hoạch hoa màu làm sao để có thêm nguồn vốn làm lại nhà mới. Xã cố gắng đến năm 2014 tất cả 69 hộ vào nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Có thể nói việc xây dựng Khu di dân buôn Mả Vôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện huyện Sông Hinh còn nghèo nên UBND tỉnh Phú Yên cũng như Trung ương cần quan tâm xem xét, ưu tiên cân đối nguồn vốn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng khu di dân buôn Mả Vôi, đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ để bà con dân tộc Ê-đê yên tâm đến nơi ở mới ổn định đời sống.
Thế Lập