Tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm

Ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 200/CĐ-TTg về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virút cúm gia cầm lây sang người.

Tiêu hủy đàn vịt nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc- TTXVN


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “ Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc.


Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng virút cúm khác.


Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virút A/H7N9 và các chủng virút cúm gia cầm khác vào Việt Nam.


Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân các cấp và các sở, ngành liên quan:


Khẩn trương có "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người" trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.


Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án 2088 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virút cúm khác.


Chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán virút.


Tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virút cúm A/H7N9 và các chủng virút khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.


Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.


Khi phát hiện có virút cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để virút phát tán ra diện rộng.

 

Ngày 14/2, Viện Pasteur Nha Trang đã khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 đối với các mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, gồm: Bo Bo Thị Xuất (18 tuổi, người dân tộc Raglai, trú huyện Khánh Sơn), Lê Ngọc Trà My (17 tháng tuổi, trú phường Phước Long, thành phố Nha Trang) và chị Nguyễn Thị Điệp (45 tuổi, trú phường Phước Hải, thành phố Nha Trang).


Trước đó tại Khánh Hòa, bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, trú tại xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang) đã tử vong vào chiều 13/2 sau 8 ngày điều trị với kết quả xét nghiệm dương tính cúm A/H1N1.


Liên quan đến dịch cúm A/H5N1, ngày 14/2, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại thị xã Ninh Hòa. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; Sở Tài chính nhanh chóng bố trí phục vụ công tác phòng chống dịch, các địa phương sớm phát hiện và tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, hỗ trợ kinh phí cho người dân, kịp thời bao vây các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng, kéo dài. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa còn có công điện khẩn gửi các ngành, địa phương trong tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A/H7N9.

 

Ngày 14/2, Trạm thú y huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) phối hợp với UBND xã Tịnh Hà tiến hành tiêu hủy đàn vịt hơn 1.500 con của hộ ông Nguyễn Hoàng Lộc ở đội 5, thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà sau khi có kết quả dương tính với cúm gia cầm. Đây là đợt tiêu hủy có số lượng lớn nhất từ đầu năm đến nay ở huyện này. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, Trạm thú y huyện đã kết hợp phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường xung quanh ổ dịch. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại huyện Sơn Tịnh đã xảy ra liên tiếp 5 ổ dịch; có gần 2.200 liều vắcxin được sử dụng để tiêm phòng bao vây, khống chế.

 TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN