Tây Ban Nha có nguy cơ phải xin cứu trợ quy mô lớn

Ngày 23/7, các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm giá; đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua so với đồng yên (Nhật Bản), các chi phí vay mượn của Tây Ban Nha đã lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh có tin đồn nước này có nguy cơ phải xin cứu trợ quy mô lớn từ Liên minh châu Âu (EU).


Tại Mỹ, lúc mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 117,69 điểm, tương đương 0,92%, xuống còn 12.704,88 điểm. Các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh vào phiên đóng cửa ngày 23/7, sau những tin tức đáng lo ngại từ Tây Ban Nha. Chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,09% xuống còn 5.533,87 điểm. Tại Đức, chỉ số DAX giảm 3,18% còn 6.419,33 điểm. Tại Pháp, chỉ số CAC 40 giảm 2,89% xuống 3.101,53 điểm. Chỉ số IBEX của Tây Ban Nha giảm hơn 5%, trước khi hồi phục vào cuối ngày với mức giảm 1,1%.


Cùng ngày 23/7, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, Luis de Guindos lại bác bỏ khả năng xin cứu trợ toàn diện của nước này, cho dù số liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế nước này giảm 0,4% trong quý II/2012, quá xấu so với mức giảm 0,3% của quý I. Trong lúc đó, chính phủ Tây Ban Nha thừa nhận rằng tình trạng suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục sang năm 2013, thay vì khả năng sẽ kết thúc với mức tăng trưởng khiêm tốn như từng dự báo trước đây.


Các số liệu thống kê càng làm trầm trọng thêm những vấn đề cấp bách hiện nay của Tây Ban Nha, mà nổi bật là thách thức phải cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy ở mức 24%, cùng lúc lại phải ổn định một hệ thống ngân hàng và tài chính công đang vật vã trong cơn “thập tử nhất sinh”.


Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vì nền kinh tế Tây Ban Nha lớn hơn nhiều so với Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha cộng lại, nên có nhiều lo ngại rằng các cơ chế cứu trợ của EU sẽ không đủ sức “cưu mang” Tây Ban Nha, đặc biệt là nếu Italia lại gặp những vấn đề tương tự.


Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN