Tây Nguyên đỡ “khát”, Nam Trung bộ vẫn hạn nặng

Trao đổi với PV Tin tức, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW - cho biết, tình hình hạn hán tại khu vực Tây Nguyên bắt đầu được cải thiện từ tháng 5 này; nhưng các tỉnh Trung bộ vẫn trong thời kỳ mùa khô nên tình trạng thiếu nước, khô hạn vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt.

 

Lượng mưa tại Tây Nguyên sẽ tăng lên


Theo dự báo, trong tháng 5, các tỉnh Bắc bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của khoảng 3- 4 đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, kèm theo các đợt mưa vừa, mưa to. Bên cạnh đó, nắng nóng có khả năng xảy ra đan xen với các đợt không khí lạnh và tập trung ở các tỉnh phía tây Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ. Tại Bắc bộ và Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình tháng này phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), trong khi đó nền nhiệt độ ở các tỉnh Trung bộ và Nam bộ cao hơn so với TBNN từ 0,5 đến 1oC.


Công nhân Nhà máy thủy điện Kanak - An Khê (Gia Lai) vận hành thiết bị xả nước qua đập Kanak bổ sung nước cho vùng hạ du. Ảnh: Ngọc Hà- TTXVN

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, hiện nay, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung bộ và bắc Tây Nguyên đều thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 35 - 80%. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi chỉ đạt từ 65 - 95% dung tích thiết kế, riêng một số hồ như: Yên Mỹ, Cửa Đạt (Thanh Hóa); Vệ Vừng, Khe Đá (Nghệ An), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Cẩm Ly (Quảng Bình), Liệt Sơn (Quảng Ngãi) mới đạt từ 30 - 40% dung tích. Đặc biệt, một số hồ như Tân Giang (Ninh Thuận), Đu Đủ (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum) mới chỉ đạt từ 0 - 7% dung tích.


Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW: “Thời kỳ này bắt đầu bước vào mùa mưa ở Bắc bộ. Do vậy, các địa phương cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông mạnh có thể kèm theo mưa đá, tố, lốc. Đặc biệt, các tỉnh vùng núi phía bắc cần đề phòng các hiện tượng lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn gây ra”.

Theo dự báo, trong tháng 5, tại Bắc bộ và Tây Nguyên, lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN đến 50%; còn lượng mưa ở các tỉnh Trung bộ thấp hơn từ 20% đến 50% so với mọi năm. Mực nước trên các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1- 2 đợt dao động nhỏ; đến cuối tháng có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, nhưng không lớn, chỉ tương đương các năm trước.

 

Nam Trung bộ vẫn hạn nặng


Mặc dù mưa đã xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên, nhưng theo dự báo trong tháng này, lượng dòng chảy trung bình trên hầu hết các sông chính ở Bắc Trung bộ và Tây Nguyên vẫn thiếu hụt so với TBNN từ 40 - 50%, các sông khác ở Trung bộ thiếu hụt so với TBNN từ 20 - 70%. Ông Tăng cũng cho biết thêm, tình hình hạn hán tại khu vực Trung bộ, đặc biệt là Nam Trung bộ, cụ thể là từ Quảng Nam đến Ninh Thuận vẫn diễn ra gay gắt trong thời gian tới. Tình trạng thiếu nước đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại khu vực miền Trung và một số tỉnh của Tây Nguyên.

 

Theo Bộ NN&PTNT đến hết tháng 4, tổng diện tích cây trồng bị thiếu nước và hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 111.444 ha (gồm 28.613 ha lúa, 61.958 ha cà phê, các loại cây trồng khác là 20.873 ha); trong đó, mất trắng 6.873 ha.

Hiện Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành xả nước tại các hồ thủy điện để nông dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk lấy nước phục vụ sản xuất lúa vụ hè thu năm 2013 và tưới cho diện tích cà phê đang bị hạn. Dự kiến, đợt xả nước này của một số hồ sẽ kết thúc muộn nhất là vào ngày 15/6.


Tại khu vực Nam bộ, lượng mưa tháng này tương đương cùng kỳ các năm trước. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều theo xu thế lên dần vào cuối tháng này. Cụ thể, mực nước cao nhất tháng xuất hiện vào ngày 26 - 27/5, trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức: 1,22 m, trên sông Hậu tại tại Châu Đốc ở mức 1,32 m, cao hơn mực nước TBNN cùng kỳ từ 0,1 - 0,25 m. Mực nước thấp nhất tháng xuất hiện vào ngày 17- 18/5,trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức -0,45 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức -0,5 m, thấp hơn các năm trước từ 0,3- 0,35 m. Tình hình xâm nhập mặn vùng cửa sông, ven biển đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm so với tháng 4.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN