Trong khi các gia đình ở Mỹ, Nhật Bản đua nhau quay lại với thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư ở khối BRIC lại mất đi sự hứng thú với cổ phiếu do mức tăng của thị trường chứng khoán không như kỳ vọng.
Chỉ số Bovespa của Sở Giao dịch Sao Paulo, Brazil lao dốc trong năm 2012. Ảnh: AFP |
Theo tờ Tin tức Thế giới, 14 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khối BRIC (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) luôn dẫn đầu thế giới, nhờ đó, các nước thuộc khối này đã tích lũy được lượng của cải lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, trong khi các gia đình ở Mỹ đua nhau quay lại với thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư thuộc khối BRIC lại mất đi sự hứng thú với cổ phiếu do mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán không được như kỳ vọng.
Hãng tin Bloomberg cũng cho hay bốn năm trước, Nirav Vora, một nhà đầu tư cá nhân ở Ấn Độ đã bỏ ra 2,5 triệu rupee (khoảng 46.000 USD) để đầu tư vào cổ phiếu nước này. Tới nay, số tiền trên đã bốc hơi gần 72%. Năm nay, Vora đã 39 tuổi, khó có thể mạo hiểm hơn nữa, nhất là khi còn phải nuôi hai đứa con nhỏ. Do vậy, nhà đầu tư không may mắn này đã chuyển sang đầu tư vào trái phiếu chính phủ để kiếm tiền cho gia đình.
Theo Vora, niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã rơi xuống đáy, họ không còn tin tưởng vào thị trường chứng khoán nữa. Những gì mà các nhà đầu tư cá nhân như Vora trải qua trước khi rút khỏi thị trường chứng khoán đang diễn ra ở các thị trường mới nổi lớn khác. Do lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đạt được không tốt trong khi chính phủ không ngừng can dự, thị trường chứng khoán tại đây trong 4 năm qua liên tục có biểu hiện kém hơn do với toàn cầu.
Bước sang năm 2013, tới nay chỉ số Công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã tăng tổng cộng 10%, chỉ số MSCI của tất cả các nước trên thế giới cũng tăng khoảng 6%, nhưng chỉ số MSCI của bốn nước thuộc khối BRIC (MXBRIC) lại giảm gần 0,5%. So với mức đỉnh của năm 2007, mức giảm của MXBRIC còn tệ hại hơn khi rớt tới 37%.
Số liệu của các sở giao dịch chứng khoán thuộc khối BRIC cho thấy giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999 và một năm qua các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đóng hơn 2 triệu tài khoản.
Ở Nga, dòng tiền chạy ra khỏi thị trường chứng khoán được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1996. Trong khi đó, dòng tiền chạy ra khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng đạt kỉ lục cao mới trong hai năm lại đây.
Tính từ đầu năm tới cuối tuần qua (15/3), chỉ số Tổng hợp Thượng Hải của Trung Quốc mới tăng chưa đến 0,5%, chỉ số Micex của Nga nhỉnh hơn một chút với mức tăng là 1,4%. Nhưng chỉ số Bovespa của Brazil lại giảm 6,5% còn chỉ số Mumbai Sensex 30 của Ấn Độ thì dậm chân tại chỗ.
Hà Ngọc