Tổng thống đắc cử Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong tiến trình lập lại ổn định ở Ukraine, đặc biệt là tình hình ở miền đông - nam và quan hệ với nước Nga láng giềng.
Giải quyết tình hình miền đông
Một nhiệm vụ cấp thiết đối với ông Poroshenko là bình ổn khu vực miền đông mà ông từng tuyên bố là sẽ thực hiện trong 3 tháng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi mà chiến dịch “chống khủng bố” của quân đội Ukraine ở miền đông khiến cho khu vực này ngày càng nóng bỏng, thể hiện qua những diễn biến mới nhất.
Lực lượng biểu tình trong tư thế sẵn sàng giao tranh với binh sĩ Ukraine tại sân bay quốc tế Donetsk ngày 26/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông tin đưa ra ngày 27/5 bởi thống đốc nhân dân Pavel Gubarev của nước CHND Donetsk tự xưng, đã có 35 người đã chết, 15 người bị thương khi một chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân bị trúng đạn pháo của quân đội chính phủ. Cùng lúc, tổng hành dinh của Donetsk ở thành phố Mariupol cũng bị các phần tử mặc đồng phục đen, không phù hiệu tấn công.
Trước đó ít giờ, lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã phong tỏa thành phố Donetsk và các vùng phụ cận trong một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm giành lại quyền kiểm soát trụ sở và các đường băng của sân bay quốc tế tại đây. Giao tranh đã nổ ra khi quân chính phủ sử dụng máy bay, pháo cối tấn công sân bay, các vị trí đóng quân của quân tự vệ Donetsk; còn lực lượng tự vệ địa phương đã bắn trả và hạ hai máy bay của quân chính phủ.
Tình hình tại miền đông - nam dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng, do hai phía chưa cho thấy bất kì một dấu hiệu nhượng bộ nào.
Quan hệ với bên ngoài
Một thách thức nữa mà Tổng thống đắc cử Poroshenko phải đối mặt là quan hệ với Nga, nhất là trong vấn đề xử lý phong trào ly khai ở miền đông Ukraine. Ông Poroshenko đã tuyên bố sẽ loại bỏ “khủng bố” bằng các chiến dịch quân sự mạnh mẽ, và việc này khiến ông phải đối mặt với sức ép lớn từ phía Nga. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 27/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh cần phải chấm dứt chiến dịch “chống khủng bố” ở đông nam Ukraine, đồng thời tiến hành đối thoại hòa bình giữa chính quyền Kiev và đại diện các khu vực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh quan điểm này với cáo buộc Ukraine dùng quân đội chống lại dân thường.
Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Poroshenko cũng phải giải quyết vấn đề khí đốt với Nga khi mà vòng hai cuộc đàm phán ba bên Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu tại Berlin (Đức) chưa tạo ra bước đột phá đáng kể nào. Kỳ vọng khôi phục cuộc đàm phán bế tắc ở Đức đã được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đặt lên vai ông Poroshenko, khi bày tỏ hi vọng tổng thống mới của Ukraine sẽ khôi phục cuộc đàm phán này. Ông Novak cho biết thêm EU đã “dịu giọng” hơn về vấn đề khí đốt vì vẫn muốn nguồn cung từ Nga được chuyển đến châu Âu một cách ổn định qua lãnh thổ Ukraine.
Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết Ukraine đã đồng ý cân nhắc thanh toán một phần tiền nợ khí đốt cho Nga. Hiện Ukraine đang nợ Nga khoảng 3,5 tỉ USD tiền mua khí đốt, nhưng chưa muốn thanh toán sau khi Nga tăng giá bán sau cuộc chính biến ở Kiev. Gazprom từng dọa cắt nguồn cung nếu Ukraine không trả tiền trước cho hợp đồng mua khí đốt của tháng 6.
Thanh Dương