Ngày 24/2, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã chính thức buộc tội 250 cựu nghị sĩ nước này, phần lớn thuộc đảng Puea Thai (Vì nước Thái), vì đã tìm cách sửa đổi hiến pháp. Động thái này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị quốc hội cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Wicha Mahakun, một thành viên NACC, cơ quan này sẽ đưa vụ việc lên Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA) Thái Lan và theo đuổi vụ việc đến cùng để đưa tất cả những người liên quan ra trước pháp luât.
Ông Mahakun nhấn mạnh toàn bộ 250 cựu nghị sĩ, trong đó có 223 người của đảng Puea Thai, đã hành động trái với hiến pháp và không trung thực. Nếu bị NLA luận tội, họ sẽ phải đối mặt với lệnh cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm.
Trước đó, vào năm 2013, các nghị sĩ trên đã đưa ra đề xuất sửa đổi hiến pháp và mở rộng Thượng viện theo hướng áp dụng thể thức bầu cử hoàn toàn. Giới phân tích chính trị cho rằng việc buộc tội các cựu nghị sĩ này sẽ giáng một đòn mạnh vào đảng Puea Thai trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2016.
Đảng Puea Thái đang chịu nhiều tổn thất lớn khi cựu Thủ tướng Yingluck bị Quốc hội cấm tham gia hoạt động chính trị 5 năm. Ngoài ra, bà cũng bị Văn phòng Tổng công tố buộc tội gây tổn thất cho chương trình trợ giá lúa gạo quốc gia do chính phủ của bà thực hiện.
Nếu bị cáo cuộc lơ là trách nhiệm gây thất thoát lớn cho các quỹ trợ cấp thu mua lúa gạo của nông dân, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với bản án 10 năm tù giam. Theo kế hoạch, Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ đưa ra quyết định về việc có tiến hành khởi tố vụ kiện này hay không vào ngày 19/3 tới.
TTXVN/Tin tức