Theo báo chí Thái Lan, đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu về khả năng cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 2/2 tới tại nước này sẽ bị tạm hoãn.
Người biểu tình phong tỏa một đường phố ở Bangkok ngày 22/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan nhận định việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và một số khu vực xung quanh không giúp đảm bảo cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra suôn sẻ, vì phong trào biểu tình vẫn tìm cách chống đối. Thậm chí ủy ban này không dám chắc cuộc bầu cử có thể diễn ra vào ngày 2/2 tới như dự kiến hay không, bởi người biểu tình đã tuyên bố không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp vừa được áp dụng.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 23/1 cho biết tranh cãi về việc Ủy ban Bầu cử (EC) hay chính phủ tạm quyền nước này có quyền hoãn cuộc bầu cử sẽ do tòa án hiến pháp quyết định. Tờ "Nation" dẫn nguồn tin của tòa án nói rằng thông báo về vấn đề này sẽ được công bố vào ngày 24/1.
Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày bắt đầu từ 22/1 tại Bangkok và các tỉnh lân cận. Ngày 23/1, Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO) đã triển khai các biện pháp tiếp theo, trong đó quy định người dân không được phép tụ tập từ 5 người trở lên tại các khu vực cấm. Bất cứ hành động gây rối nào cũng đều không được phép. Việc đăng tải và phân phát báo chí hay ấn phẩm gây hoảng loạn trong dân chúng hoặc bóp méo thông tin về tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng đến hòa bình và trật tự cũng như thuần phong mỹ tục cũng bị cấm.
Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức tình trạng khẩn cấp. Quân đội Thái Lan đã phát hiện vũ khí và chất nổ được chuyển vào thủ đô Bangkok, nghi là do phe đối lập dùng để tấn công đối thủ.
TTG