Thảm họa kinh hoàng ở Campuchia

* Hàng nghìn người chết và bị thương

* Hơn 10 người gốc Việt chết và mất tích

Cảnh chen lấn kinh hoàng trên cây cầu dẫn tới đảo Koh Pich tối 22/11.

Không khí tưng bừng của lễ hội nước ở Campuchia đã nhanh chóng trở thành tang thương tột cùng khi thảm họa chen lấn, giẫm đạp xảy ra ngay tại khu vực trung tâm lễ hội ở thủ đô Phnôm Pênh, tối 22/11, khiến hàng ngàn người chết và bị thương. Thủ tướng Hun Sen đã phải thốt lên đây là giờ phút đen tối nhất trong lịch sử Campuchia kể từ thời Khmer Đỏ.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia cho biết, thảm họa xảy ra khi hàng trăm nghìn người tìm cách rời khỏi đảo Koh Pich (hay Đảo Ngọc) - trung tâm của lễ hội nước ở Campuchia – trên một chiếc cầu chỉ rộng khoảng 12 mét, gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Theo ước tính có khoảng 4 triệu du khách đổ về thủ đô Phnôm Pênh vào ngày cuối cùng của lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm tại Campuchia (từ ngày 21 - 23/11).

Chưa rõ vụ chen lấn bắt đầu như thế nào; tuy nhiên, thông tin ban đầu cho biết đã có tin đồn cây cầu yếu, có nguy cơ bị sập, khiến đám đông hoảng loạn, cuống cuồng xô nhau chạy ra ngoài. Nhiều người đã nhảy xuống sông để tìm lối thoát. Theo các hãng tin nước ngoài, tính đến tối 23/11 đã có ít nhất 378 người thiệt mạng và khoảng 750 người bị thương trong thảm họa này; trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định với hãng tin AFP (Pháp), con số thương vong chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Ngay sau thảm họa, hàng trăm xe cứu thương, xe cảnh sát liên tục trong đêm chạy tới hiện trường để giải tán đám đông hỗn loạn và cấp cứu các nạn nhân. Chính quyền thành phố Phnôm Pênh cũng đã huy động nhiều xuồng và thuyền đi dọc sông Bassac cũng như phần bờ phía Hoàng Cung để tìm kiếm những người còn sống sót và thi thể nạn nhân.

Theo ghi nhận của PV TTXVN thường trú tại Campuchia, ngày 23/11, thủ đô Phnôm Pênh tiếp tục chứng kiến những vụ tắc nghẽn nghiêm trọng ở khu vực xung quanh các bệnh viện lớn, do hàng chục nghìn người dân ở Phnôm Pênh và nhiều tỉnh lân cận đổ xô tới các bệnh viện để tìm kiếm người thân mất tích hoặc nhận dạng thân nhân trong số những thi thể được chở về các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện ở Phnôm Pênh đều đã chật kín. Theo một số nguồn tin nước ngoài, nhiều người bị thương phải nằm ra cả hành lang, góc cầu thang trong bệnh viện.

Có mặt tại Bệnh viện Calmette – bệnh viện lớn nhất ở Phnôm Pênh trong ngày 23/11, phóng viên TTXVN nhận thấy bầu không khí tang tóc tràn ngập. Tại đây, hàng chục lều cơ động đã được dựng lên để chứa hàng trăm thi thể nạn nhân, mà theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, có tới 2/3 là phụ nữ. Lực lượng cảnh sát và quân cảnh Campuchia đã phải thiết lập hàng rào để kiểm soát dòng người ùn ùn đổ vào bệnh viện, vốn ngày thường cũng đã quá đông đúc và thường xuyên trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, lực lượng y bác sĩ tại bệnh viện đang nỗ lực cứu chữa và chăm sóc những người bị thương.

Ông Om Yintieng, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố, dẫn nhận định ban đầu của các bác sĩ tại Bệnh viện Calmette cho biết thương vong trong thảm họa này không có dấu hiệu của khủng bố, điện giật hay bị ngộ độc, mà là do giẫm đạp lên nhau. Hầu hết nạn nhân thiệt mạng vì bị ngạt và nội thương.

Sau khi thảm họa xảy ra, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ba lần xuất hiện trên truyền hình Bayon TV. Người đứng đầu chính phủ Campuchia đã bị sốc trước con số thương vong quá lớn của thảm họa này. Ông gửi lời chia buồn tới các nạn nhân cũng như thân nhân của họ, đồng thời kêu gọi người dân giữ bình tĩnh. Thủ tướng Hun Sen cho biết, chính phủ sẽ hỗ trợ cho thân nhân mỗi người thiệt mạng 5 triệu riel (khoảng 25 triệu đồng) và mỗi người bị thương 250 USD. Thủ tướng tuyên bố Campuchia sẽ để quốc tang trong ngày 25/11.

Cũng theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 23/11, chính phủ Campuchia đã thành lập một ủy ban cấp quốc gia, do Phó Thủ tướng Sok An đứng đầu, để điều tra nguyên nhân thảm họa ở đảo Koh Pich. Phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình Bayon TV, Phó Thủ tướng Sok An nêu rõ, ủy ban trên bao gồm Tiểu ban Giám định pháp y do Bộ trưởng Y tế Mam Bun Heng đứng đầu, Tiểu ban Hỗ trợ người bị thương và gia đình những người thiệt mạng do Bộ trưởng Xã hội Ith Samheng chỉ đạo và Tiểu ban Điều tra vụ việc do Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Prum Sokha đứng đầu. Ông Sok An khẳng định: "Ủy ban quốc gia này sẽ giải quyết mọi vấn đề liên quan tới thảm họa".

Phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia dẫn thông tin sơ bộ từ Hội người Việt Nam tại Campuchia cho biết đã xác định được 6 người gốc Việt thiệt mạng, 5 người mất tích và 8 người bị thương trong thảm họa xảy ra ở đảo Koh Pich. Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Phnôm Pênh, ông Trần Văn Tới, trong số 6 người thiệt mạng đã xác định được một người ở tỉnh Đồng Tháp (sang Campuchia làm ăn theo dạng không giấy tờ) và một nạn nhân tên là Nguyễn Văn Thanh (nam) có nhà ở tỉnh Kandal. Ngay trong sáng 23/11, Hội người Việt Nam ở Vương quốc Campuchia đã cử người tỏa đi khắp các bệnh viện ở Phnôm Pênh để tìm kiếm những nạn nhân gốc Việt đồng thời đăng ký thông tin tìm kiếm những người được cho là mất tích sau thảm họa ở đảo Koh Pich. Tuy nhiên, Tham tán báo chí Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Việt Long cho biết, tính đến 17 giờ ngày 23/11, con số thương vong của Việt kiều trong thảm họa ở đảo Koh Pich là 8 người thiệt mạng, 8 người bị thương và 5 người mất tích. Sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chuẩn bị công tác thăm hỏi và hỗ trợ những Việt kiều này.


Trần Long (P/v TTXVN tại Campuchia) - Lê Hải


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN