Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; một số địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; các chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên môn.
Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2019, để thực hiện Đề án vào năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị các đại biểu xem xét, thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; cải thiện đời sống nhân dân; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, các đại biểu cho ý kiến theo hướng thống nhất Đề án là một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài trong phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tới.
Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cho rằng, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. 53 dân tộc thiểu số với 3,04 triệu hộ và 13, triệu người đang cư trú chủ yếu tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; là đầu nguồn thủy sinh, gắn với các công trình thủy điện quốc gia…
Xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn phát triển chậm, chất lượng nguồn nhân lực kém, quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất, do vậy cần thiết phải xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030; xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng
Đóng góp vào nội dung Đề án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2012-2018, đến nay công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2012-2015, Nhà nước được hỗ trợ giống và phân bón để hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, giải quyết khâu thiếu lương thực.
Từ năm 2015-2020, việc hỗ trợ phát triển sản xuất chuyển sang hỗ trợ những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế để các hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số có thu nhập bằng tiền. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện theo dự án với sự tham gia của người dân từ khâu xây dựng dự án đến tổ chức triển khai. Mặc dù các dự án hỗ trợ sản xuất, mô hình giảm nghèo có được kết quả đáng ghi nhận, song mức độ đạt được còn hạn chế, chưa như mong đợi. Một số địa phương lập dự án mang tính hình thức, vẫn mua giống, vật tư về cấp cho dân, không cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo thực hiện dự án, hết năm hỗ trợ của ngân sách thì dự án cũng kết thúc.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nguyên nhân của hạn chế này là một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quy trình hướng dẫn xây dựng, thực hiện dự án sản xuất, hỗ trợ giống, vật tư, chưa quan tâm đến hiệu quả sản xuất của dự án, chưa kết nối tiêu thụ sản phẩm cho dự án sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cần có giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất thay đổi cơ chế thực hiện theo hướng: Nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ về giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm và tăng cho vay nhiều hơn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tránh tư tưởng ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với chương trình giảm nghèo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, thời gian qua, chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được đẩy mạnh. Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ được rừng. Tuy nhiên, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm. Việc vận dụng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về giao đất, giao rừng chưa có sự thống nhất tại các địa phương. Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia đóng góp của người dân trong công tác sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng.
Xác định rõ địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn cấp thôn, bản, xã
Nêu thực trạng và giải pháp đề xuất cho việc đổi mới, cơ cấu lại chính sách và nguồn lực cho giai đoạn 2021-2030, đại diện Bộ Tài chính nhận định, các chính sách được ban hành trong thời gian vừa qua tương đối đầy đủ, toàn diện; đặc biệt là chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp đối tượng thụ hưởng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, người dân khu vực này từng bước được nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các chương trình, chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cần có chủ trương xác định rõ địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở cấp thôn, bản, xã. Trên cơ sở tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được phê duyệt, nghiên cứu đổi mới hệ thống nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ chi ngân sách giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Với chi ngân sách đầu tư phát triển, có thể định mức chi đầu tư cho thôn, bản, xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt khó khăn, đưa vào cân đối ngân sách địa phương để ổn định giai đoạn 2021-2025 hoặc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Với chi ngân sách thường xuyên, nghiên cứu bổ sung thêm tiêu chí định mức ưu tiên cho các địa phương có xã, thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt khó khăn.
Đối với Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, theo dự thảo, Đề án có tổng vốn thực hiện tối thiểu trên 335 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Đề án chưa làm rõ vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Ngoài ra, đề nghị rà soát lại về quy mô nguồn vốn để phù hợp với khả năng tăng trưởng nguồn thu giai đoạn 2021-2025.