Thanh niên và thách thức trên đường di cư

Ra đi để theo đuổi giấc mơ hay đơn giản chỉ là tìm kiếm sự thay đổi, nhưng môi trường mới cùng rào cản ngôn ngữ, văn hóa… đã trở thành thách thức không nhỏ đối với những người di cư trẻ tuổi.

 

Hành trình đầy thách thức


Theo Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tiến sĩ Babatunde Osotimehin, mong muốn điển hình của thanh niên di cư thường là nhằm tìm kiếm cơ hội mới cũng như sự tự do hơn về truyền thống và chuẩn mực. Một mục đích không kém phần quan trọng khác là để khẳng định bản sắc riêng của họ. Như vậy, đối với một bộ phận thanh niên, di cư dường như đã trở thành lựa chọn phát triển.


 

Thanh niên di cư mong muốn khẳng định bản sắc riêng của mình.  Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong hành trình thực hiện mơ ước, thanh niên di cư có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn, thất vọng, thậm chí là sự hiểm nguy. Nguyên nhân không ngoài việc ở môi trường mới, họ thiếu sự hỗ trợ xã hội. Vì giá cả đắt đỏ hoặc do rào cản ngôn ngữ, văn hóa, một số đã phải từ bỏ chuyện học hành hoặc không tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội khác. Đứng trước nỗi lo bị trục xuất, một số khác lại không dám tiếp cận các dịch vụ nêu trên.


Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vẫn chưa thấy hồi kết thúc, thanh niên di cư càng dễ bị kì thị. Bởi họ thường bị chính giới và nhân sĩ địa phương cáo buộc là đã cướp đi cơ hội việc làm của người dân sở tại.


Nhưng đáng ngại hơn cả là các nữ thanh niên và bé gái, nhóm dễ bị tổn thương nhất trong lực lượng di cư trẻ tuổi, có thể trở thành con mồi của bọn buôn bán người, bị ép buộc hôn nhân khi còn quá bé, bị có thai ngoài ý muốn, hay phải chịu đựng sự bóc lột tệ hại khác.


Hệ quả của những vấn nạn trên là không ít thanh niên di cư, thường xuất phát từ những nơi nghèo khó, đất chật người đông, ít cơ hội phát triển, điều kiện y tế kém… đành phải dang dở, thậm chí là lụi tàn giấc mơ từng ôm ấp.

 


Lên đường để phát triển


Trong thông điệp phát đi nhân dịp kỉ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên (12/8) với chủ đề “Thanh niên di cư: Thúc đẩy phát triển”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết mỗi năm thế giới có khoảng 214 triệu người di cư và thanh niên đóng góp hơn 10% trong số đó.


Có một thực tế không thể phủ nhận là thông qua sự chuyển dịch, những người di cư trẻ tuổi thường đã tạo ra đóng góp đáng kể cho cả tổ quốc nơi họ ra đi lẫn đất nước nơi họ đặt chân đến. Theo ông Ban Ki-moon, những khoản tiền kiếm được nơi đất khách gửi về đã nuôi sống gia đình họ ở quê nhà, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, sau khi trở về, với kinh nghiệm và kĩ năng thu lượm được ở nước ngoài, họ trở thành lực lượng thúc đẩy quê hương phát triển.


Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ. Trong dòng chảy của toàn cầu hóa, thanh niên ngày càng có xu hướng vươn ra bên ngoài biên giới quốc gia. Theo thống kê của UNFPA, trên 40% dân số thế giới hiện nay đang ở độ tuổi dưới 25 và hơn 12% dân số ở độ tuổi từ 15 - 24 đã di cư sang nước khác. Thanh niên di cư không còn là câu chuyện của một quốc gia đơn lẻ nào.


Vì thế, vấn đề là phải làm thế nào để phát huy hết tiềm năng của thanh niên di cư, để họ đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung. Tiến sĩ Babatunde Osotimehin cho rằng một trong những giải pháp là để thanh niên di cư tiếp cận giáo dục, việc làm bền vững cũng như các dịch vụ y tế, bao gồm cả các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Theo nhiều chuyên gia, với sự năng động và sức sáng tạo, thanh niên cần được nhìn nhận như một lực lượng có khả năng thay đổi vận mệnh kinh tế xã hội. Vì thế, thanh niên càng cần được khuyến khích tham gia vào phát triển các sáng kiến, từ cộng đồng đến cấp độ toàn cầu, được khuyến khích cống hiến để tiến tới xây dựng thế giới bền vững hơn.

 

Hà Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN