Trước đó, cơ quan này vừa có văn bản yêu cầu các Cục Thuế địa phương rà soát, tiến hành thanh tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ. Theo đó, trọng tâm thanh tra là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh lỗ; nợ thuế lớn; nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế. Lĩnh vực thanh tra tập trung như chuyển nhượng vốn, dược phẩm, bất động sản, bán lẻ…
Theo đó, Tổng Cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu. Từ đó phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế.
Các nội dung thanh tra như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu…trong thời kỳ 2012-2016 và các năm chưa thanh kiểm tra thuế. Đặc biệt, các cục thuế địa phương phải lưu ý tới hoạt động nhượng quyền thương hiệu chưa đăng ký, chưa nộp thuế. Ngoài ra, Tổng Cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế rà soát chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp này trả cho các công ty mẹ ở nước ngoài, nhưng không chứng minh được dịch vụ tư vấn đã được thực hiện, hoặc dịch vụ không phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam…
Trước đó, năm 2016, qua các hoạt động thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã thu được 2.034 tỷ đồng tiền thuế trong thương vụ chuyển nhượng lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam; thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Metro, cơ quan thuế cũng thu được 1.911 tỷ đồng thuế chuyển nhượng. Năm 2016, thanh tra thuế đã thanh tra chống chuyển giá với 329 doanh nghiệp, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt hơn 607 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 5.100 tỷ đồng.
Để quản lý thuế chặt chẽ đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng như bổ sung quy định về chống chuyển giá, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Nghị định 20 vừa được ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết.
Thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai; cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế.
“Việc quản lý giao dịch liên kết này thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức, không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước, qua đó điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Nghị định 20 đã đưa ra các nguyên tắc để xác định giá giao dịch liên kết như: Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập; nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định đúng bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập; phân tích, so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết; áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát… đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập. Các yếu tố so sánh cần phân tích gồm: đặc tính sản phẩm, chức năng hoạt động, điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch.
Các phương pháp cụ thể làm căn cứ xác định giao dịch liên kết gồm: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, phương pháp phân bổ lợi nhuận.
Một nội dung trong Nghị định được báo chí khá quan tâm là nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, trong đó yêu cầu các công ty mẹ tối cao có trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và gửi cho cơ quan Thuế.
Theo bà Lan Anh, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo đã thu thập những kinh nghiệm quốc tế và tổng kết, đánh giá hiện trạng tại Việt Nam để đưa ra nền tảng pháp lý cho phù hợp.
Hiện nay, để nâng cao tính minh bạch trong quản lý giá chuyển nhượng, các nước trên thế giới đều đang rà soát, sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết bằng hình thức yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia cung cấp một cách toàn diện, tổng thể về toàn bộ chuỗi giá trị phân phối, các kênh tạo lập nên giá trị, số thuế đã nộp của tại các quốc gia,...thông qua hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với 3 cấp độ là hồ sơ toàn cầu, hồ sơ quốc gia và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Các hồ sơ này sẽ nâng cao chất lượng quản lý rủi ro giá chuyển nhượng cho cơ quan Thuế đồng thời giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế qua cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các nước.
Việc yêu cầu các công ty mẹ tối cao có trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên phải có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cũng xuất phát từ việc nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay, con số này ở nhiều nước đang duy trì khoảng 750 triệu Euro.
Để người nộp thuế và cơ quan thuế dễ dàng xác định như thế nào được gọi là giao dịch liên kết, tới đây Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 20.