Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề, những thầy cô giáo ở điểm trường bản Pà Chải thuộc trường Tiểu học Nậm Xe (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thầm lặng cống hiến công sức, tình cảm để thắp sáng ước mơ, hoài bão cho những học trò dân tộc Dao nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này.
Thầy giáo Lường Văn Chung, phụ trách điểm trường Pà Chải. |
Nằm cách trung tâm xã Nậm Xe chừng 5 km nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ mới có thể đến được điểm trường Pà Chải. Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, con đường đất độc đạo quanh co toàn đá hộc ấy nổi bật lên như đang gắng sức “gồng gánh” con chữ đến với vùng đất vốn heo hút, nghèo đói nơi đây. Điểm trường Pà Chải chỉ có 3 giáo viên với vẻn vẹn 3 phòng học trong đó 2 phòng được người dân dựng sơ sài bằng tranh tre, nằm chênh vênh bên sườn núi góc bản. Trường có 36 học sinh nhưng có tới 2 lớp học ghép. Thầy giáo Lường Văn Chung, phụ trách điểm trường và đang dạy ghép lớp 2 và lớp 4 cho biết, vì phòng học được dựng bằng tranh tre nên không có vách che mưa, do vậy sau một thời gian thì phải dựng lại. “Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa thì cả thầy và trò đều lo nơm nớp vì những phòng học tạm bợ này không đủ sức che mưa, che gió”, thầy Chung tâm sự.
Thầy Chung quê ở Điện Biên, nhưng quyết bám trụ cùng bản vùng cao biên giới này chỉ với một mong muốn đem được cái chữ đến cho các em học sinh người dân tộc thiểu số. Tâm sự về những gian khó trong quãng thời gian gắn bó với nghiệp “trồng người”, thầy Chung bộc bạch: “Có thời điểm, các em đi học đầy đủ nhưng sau này sĩ số lên lớp của học sinh thưa dần do phải đi cùng gia đình lên nương. Chúng tôi phải đi đến tận nhà, vận động từng gia đình cho các em đến trường đến lớp đầy đủ. Thương nhất là các em ở xa điểm trường, đi sớm về muộn”.
Các thầy cô giáo nơi đây người nào cũng đen sạm vì nắng mưa và sương gió. Không chỉ giảng dạy đơn thuần, họ còn đảm nhiệm thêm công việc của người cha, người mẹ. Cô giáo Teo Thị Thanh, dạy lớp 1, tâm sự: “Do trường nằm ở bản nên ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ ra chơi, chúng tôi lại phải đi kêu gọi một số em tranh thủ về nhà mà không trở lại lớp. Đôi lúc tôi cũng nản lòng nhưng dường như mình đã có duyên, có phận với mảnh đất này. Nghe các em đánh vần từng chữ lại thấy yêu quý và gắn bó với chúng".
Thầy Trần Thế Công, tuy đến với vùng đất khó Pà Chải này chưa được bao lâu, nhưng đã có rất nhiều gắn bó với học sinh. Thầy cho biết: “Mùa đông mà có những em chỉ mặc áo cộc tay với áo khoác ngoài mỏng tanh, ngồi trong lớp rét co ro, đến nói còn khó huống chi là cầm bút viết. Lớp học dựng bằng tranh tre nên gió lạnh lùa vào khiến nhiều em phải rùng mình. Nhìn mà thương lắm”. Từ đó, bất kể lúc nào có dịp, các thầy cô cũng vận động hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, người thân… quyên góp, ủng hộ quần áo cũ và đồ dùng học tập cho các em.
Ngày ngày, khi kết thúc những tiết học, cũng là lúc bóng tối bao phủ toàn bộ miền sơn cước. Các thầy cô tại điểm trường Pà Chải lại cùng nhau xuống núi. Ánh đèn xe máy lúc ẩn lúc hiện trong màn đêm và sương lạnh mờ ảo vẫn sáng trên con đường gập ghềnh sỏi đá, lặng lẽ “gùi” từng con chữ, gieo mầm kiến thức cho thế hệ tương lai nơi vùng khó.
Bài và ảnh: Quang Duy