Theo Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Luật Dân tộc đang được Ủy ban Dân tộc xây dựng, nhằm thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tạo cơ sở pháp lý để đồng bào các DTTS thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
Thứ trưởng Lê Sơn Hải phát biểu tại hội thảo. |
“Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay có 66 luật chuyên ngành, với 194 điều khoản khác nhau và 200 văn bản hướng dẫn của Chính phủ, địa phương. Tuy nhiên, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, thống nhất các chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Việc xây dựng Luật Dân tộc là vấn đề cấp bách hiện nay, khẳng định và thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa Hiến pháp 2013, đảm bảo phù hợp với nội dung của các cam kết quốc tế về lĩnh vực dân tộc mà Việt Nam tham gia ký kết”, Thứ trưởng Lê Sơn Hải nêu rõ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc; những nội dung cơ bản cần đưa vào dự án luật; tham luận về quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách, công tác dân tộc cần nghiên cứu, thể chế hóa trong Luật Dân tộc; đánh giá, bình luận về Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Dân tộc.
Hầu hết các đại biểu thống nhất với các dự thảo báo cáo và đề cương chi tiết của dự thảo Luật Dân tộc. Các đại biểu khẳng định, đồng bào DTTS là bộ phận thống nhất, không tách rời của đất nước Việt Nam. Do đó, Luật Dân tộc phải đạt được mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển, hòa nhập bằng các chính sách, việc làm cụ thể.
Thứ trưởng Lê Sơn Hải đã tiếp thu những góp ý của đại biểu và tiếp tục điều chỉnh dự thảo Luật Dân tộc đúng đắn nhất. “Với lộ trình chúng tôi đưa ra, quá trình soạn thảo luật sẽ tiến hành từ nay đến 10/2017, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 4”, Thứ trưởng Lê Sơn Hải cho biết.