Từ 20 - 21/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga. Đối lập với thời tiết giá buốt gần 0 độ C tại Moskva, cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước được đánh giá là diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, hữu nghị hiếm thấy, đưa đến nhiều kết quả khả quan, tạo đà thuận lợi cho quan hệ Nga - Ấn trong thời gian tới.
Quan hệ có bề dày lịch sử
Trong một cử chỉ được miêu tả là “rất đặc biệt”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tặng ông Singh 3 món quà đầy bất ngờ: Một bức tranh thạch bản của Sa hoàng Nicholas II - người đã thăm Ấn Độ trong thế kỷ 19, một bản đồ Ấn Độ cùng thời và một đồng xu Mughal. Không chỉ đích thân chọn và tặng quà, người đứng đầu điện Kremlin đã bỏ qua các nghi lễ ngoại giao thông thường khi đề cập đến ý nghĩa của các kỉ vật đó: Bức tranh và tấm bản đồ gợi nhớ đến các nỗ lực của Sa hoàng muốn mở một lãnh sự của Nga tại Ấn Độ hồi đầu thập niên 1900, còn đồng xu kia lại là biểu trưng cho mối giao thương Nga - Ấn trong nhiều thế kỉ. Và dường như, phát biểu của hai nhà lãnh đạo trong và sau cuộc hội đàm đều ghi nhận ý nghĩa của mối quan hệ song phương vượt thời gian này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại cuộc hội đàm hôm 21/10. |
Tổng thống Putin khẳng định Ấn Độ là đối tác chiến lược của Nga và bày tỏ: “Hầu hết các thành tựu trong mối quan hệ song phương đều đạt được dưới thời lãnh đạo của ngài và tôi rất cảm kích về điều đó”. Ông Putin cũng đề cập đến sự hợp tác chặt chẽ giữa Moskva và New Dehli tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ), nhóm BRICS, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20)... và tuyên bố ủng hộ Ấn Độ nắm giữ ghế ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ trong quá trình cải tổ thiết chế này. Đáp lại, Thủ tướng Singh nhấn mạnh, quan hệ với Nga chiếm vị trí ưu tiên rất cao trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Nga là nước đầu tiên Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đó là mối quan hệ đã được thử thách, khẳng định qua thời gian.
Quân sự, năng lượng - hai điểm nhấn quan trọng
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung và ký kết 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, quốc phòng, chống khủng bố và ngoại giao nhân dân.
Hai nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, coi đây là thành tố quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn. Hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và các hệ thống vũ khí. Nổi bật nhất là việc Nga giúp hiện đại hóa và chuẩn bị bàn giao tàu sân bay Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ. Cùng thời điểm, nhiều tờ báo tại Ấn Độ đưa tin, Hội đồng Nội các nước này thông qua đề xuất chi 1,5 tỉ USD để thuê tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Nga.
Về năng lượng, hai nước nhất trí thành lập nhóm nghiên cứu hỗn hợp để lập đề án tiền khả thi tuyến đường ống vận chuyển dầu từ Nga sang Ấn Độ. Ấn Độ bày tỏ quan tâm tới việc hợp tác với các công ty của Nga cùng thăm dò dầu mỏ tại khu vực Bắc Cực. Chủ đề gai góc nhất liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Kudankulam mà Nga xây dựng cho Ấn Độ theo hợp đồng ký kết từ năm 1988 dường như cũng đã tìm được lối ra. Lò phản ứng đầu tiên trong số 2 lò đã được xây dựng nhà máy này chính thức vận hành và hòa vào lưới điện ngay trong tối ngày 21/10. Về các tiêu chuẩn an toàn cao hơn cho 2 lò tiếp theo, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận để tiến đến một thỏa thuận khung chung. Thủ tướng Singh cam kết với Tổng thống Putin sẽ thực hiện đầy đủ lộ trình hợp tác hạt nhân dân sự đã được ký trong chuyến thăm của người đứng đầu điện Kremli tới Ấn Độ năm 2010, với việc Nga giúp Ấn Độ xây dựng 15 lò phản ứng hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang tăng nhanh tại quốc gia này.
Hoài Thanh (Tổng hợp)