Kết thúc đợt 1 kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ:

Thí sinh “dễ thở” với đề thi Hóa, Anh

Hôm qua (ngày 5/7), hơn 650.000 thí sinh dự thi ĐH khối A, A1 đã hoàn tất môn thi cuối cùng. Sau ngày đầu khá vất vả, môn thi cuối được các thí sinh kỳ vọng nhiều hơn sẽ giành điểm cao.



Phấn khởi với đề thi


Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi Hóa của khối A năm nay dễ hơn năm ngoái. Thí sinh Nguyễn Thị Hải Yến (Hưng Yên), dự thi ngành Kinh tế Xây dựng (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội), cho biết: “Đề thi Hóa năm nay tương đối dễ, phần khó nhất là phần điện phân. Em dự tính được trên 7 điểm. Hai môn Toán và Lý hôm qua em có thể được 6 - 7 điểm, vì thế em hi vọng mình sẽ đỗ”.


Các thí sinh tại điểm thi trường ĐH Thương mại (Hà Nội) có tâm trạng vui vẻ sau khi kết thúc môn thi cuối.

 

Tương tự, thí sinh Hoàng Ngân (Hưng Yên), dự thi vào ĐH Ngoại thương Hà Nội, chia sẻ: “Trong 3 môn thi, Hóa là môn em học kém nhất nhưng với đề thi này, em cảm thấy khá tự tin. Số lượng các câu khó không nhiều, không có câu nào đánh đố thí sinh. Tỉ lệ giữa phần bài tập và lý thuyết là ngang nhau. Vì vậy, học sinh rất dễ gỡ điểm trong môn thi này”.


Vừa bước ra khỏi hội đồng thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, thí sinh Hoàng Văn Khởi, thi khối A, hào hứng: “Đề thi năm nay đòi hỏi chúng em phải đọc kỹ để suy xét bản chất và dựa trên những kiến thức căn bản đã được học để suy luận, giải quyết bài tập”. Theo một số giáo viên dạy Hóa tại TP Hồ Chí Minh, đề thi chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12 (chiếm 85%). Phần bài tập chiếm 60%. Với đề thi này, thí sinh khá giỏi có thể đạt được 7 - 8 điểm, thí sinh trung bình cũng có thể được 4 - 5 điểm. Tuy nhiên, với đề thi này, thí sinh cũng khó đạt điểm 10. Mức điểm năm nay sẽ tập trung nhiều ở điểm 5.


Đề thi tiếng Anh của khối A1 cũng khiến nhiều thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng. Thí sinh Nguyễn Thị Mai, dự thi khối A1 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: Khó nhất trong đề thi năm nay là phần đọc hiểu với chủ đề lực đẩy Acsimet và lịch sử nhiếp ảnh. Để làm tốt phần này, không những phải chắc từ vựng mà còn phải có vốn kiến thức xã hội. Thí sinh Minh Ngọc (Nam Định) dự thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Em bỏ qua một số câu ngữ âm. Tuy nhiên, em vẫn hy vọng môn tiếng Anh sẽ là môn gỡ điểm cho em trong kỳ thi này. Dự tính em đạt được 8 điểm”.


Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giáo dục - Đào tạo, số thí sinh đến dự thi trong cả đợt thi thứ nhất là 650.420, đạt tỷ lệ 77,09% (cao hơn so với năm 2012 xấp xỉ 1%). Toàn quốc có 134 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (trong đó, 19 thí sinh bị khiển trách; 4 thí sinh bị cảnh cáo; 111 thí sinh bị đình chỉ thi). Trong số 111 thí sinh bị đình chỉ thi, có 1 trường hợp thi hộ, còn lại chủ yếu là do mang điện thoại di động vào phòng thi.

Tại hội đồng thi ĐH Sài Gòn (quận 3), thí sinh Nguyễn Thị Hằng (quê Ninh Thuận) phấn khởi: “Em thấy đề thi tiếng Anh năm nay khá đơn giản, từ vựng không nhiều, chủ yếu trong chương trình THPT. Chỉ có một vài câu khó để phân loại thí sinh”. Còn tại hội đồng thi trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh cũng cho biết làm được 80%.


Cô Lê Thị Vân Xuân, giáo viên Anh văn tại Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Đề thi tiếng Anh khá đơn giản, ngữ pháp và từ vựng không có gì đánh đố thí sinh. Phần đọc hiểu hơi khó vì có một số từ vựng chuyên ngành. Với đề thi này, thí sinh khá giỏi có thể làm được 8 - 9 điểm. Còn thí sinh trung bình thì làm được khoảng 4 - 5 điểm.

 

Tiếp tục “Tiếp sức mùa thi”


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, giao thông khá thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhà và thí sinh về quê. Tại các tuyến đường gần các bến xe, không xảy ra ùn tắc kéo dài. Phía bên trong các bến xe, các đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi vẫn hoạt động để trợ giúp thí sinh, đặc biệt khi thí sinh thi ĐH đợt 2 lên thành phố ngày càng nhiều.


Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), gian tư vấn “Đưa bạn đến giảng đường” tấp nập thí sinh đến nhờ trợ giúp. Trong đó, đa phần là các thí sinh từ quê lên để chuẩn bị cho kì thi đợt 2, chủ yếu là các thí sinh đến từ Thanh Hóa, Thái Bình. Càng về trưa, lượng thí sinh đổ lên càng đông. Các SV tình nguyện phải liên tục tư vấn cho các thí sinh về điểm thi, tuyến xe buýt cũng như cách bắt xe sao cho thuận tiện nhất.


Phạm Văn Đại, SV năm 3 Học viện Quản lí giáo dục (Hà Nội), cho biết: “Ngay sau khi kết thúc đợt 1 kì thi ĐH, chúng em đã túc trực tại bến xe để trợ giúp cho các thí sinh về quê và cả những thí sinh từ quê lên thi đợt 2. Tuy nhiên, dự báo phải khoảng ngày 6 - 7/7 thì thí sinh lên thi mới đông”. Cuộc nói chuyện giữa phóng viên và các SV tình nguyện không được liên tục vì các bạn còn phải tư vấn và phát bản đồ cho thí sinh và người nhà. Được biết, nhóm của Đại có 5 người, trong đó 2 người ngồi ở bàn trực và 3 người ở trong bến xe để trợ giúp thí sinh. Ngoài bến xe Giáp Bát, nhóm còn hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, ga Hà Nội...


Hoàng Dương - Thu Trang - Tuấn Anh - Đan Phương - Hoàng Tuyết

Nhiều thí sinh bị nhầm tuyến xe buýt

 

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng 5/7, có 3 thí sinh đến nhầm địa điểm thi. Cả ba thí sinh này đều đi thi một mình bằng xe buýt, do không quen đường, xuống nhầm bến nên đã bị nhầm địa điểm thi. Một trường hợp đã được một phụ huynh chở đi. Hai trường hợp còn lại, các SV tình nguyện đã mượn xe của phụ huynh để đưa thí sinh đến đúng điểm thi.

 

Còn tại ĐH Xây dựng Hà Nội, SV tình nguyện đã nhanh chóng trợ giúp một thí sinh quên máy tính. Một tình nguyện viên nữ đã nhanh chóng chạy đi mượn máy tính cho thí sinh này, đảm bảo thí sinh kịp giờ thi. Trước đó, trong ngày 3/7 làm thủ tục thi, có một số thí sinh đi thi một mình bị nhầm điểm thi. Các tình nguyện viên cũng đã nhiệt tình giúp đỡ, làm xe ôm miễn phí, đưa thí sinh đến đúng điểm thi.

 

Thí sinh lơ đễnh đi muộn, quên giấy tờ

 

Em Lưu Thế Hào, Đội phó Đội Tiếp sức mùa thi của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong 2 ngày trực tại điểm thi này, trung bình mỗi ngày thi có khoảng 5 - 7 thí sinh đi muộn. Tuy nhiên, do chưa muộn quá thời gian quy định nên vẫn được dự thi. Sáng 5/7, có một thí sinh dù đã thi ngày thứ hai nhưng vẫn quên mang theo giấy tờ. SV tình nguyện đã chở bạn đó về nhà trọ ở Làng ĐH Quốc gia lấy giấy tờ và vẫn kịp giờ vào phòng thi. Trước đó, ngày 4/7, có hai thí sinh phải về lấy giấy tờ bỏ quên, khi quay lại điểm thi thì đã muộn giờ nên không thể dự thi.

 

Đặc cách tuyển thẳng một thí sinh thi ĐH Vinh

 

Trường ĐH Vinh đã quyết định đặc cách tuyển thẳng thí sinh Nguyễn Văn Vọng, sinh năm 1989, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vào Khoa Công nghệ thông tin. Ban lãnh đạo trường đưa ra quyết định này từ sự cảm phục ý chí quyết tâm, nghị lực phi thường của thí sinh này khi bị bệnh từ bé phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn có ước muốn, quyết tâm thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Vinh để thay đổi số phận mình.

 

Hỗ trợ cho thí sinh nghèo

 

Nhà thờ Tân Định (TP.HCM) đã hỗ trợ miễn phí chỗ ở cho 150 thí sinh và phụ huynh. Hơn 10.000 suất ăn miễn phí và hàng nghìn phòng trọ miễn phí, giá rẻ cho thí sinh tại trường ĐH Tài chính - Marketing. Tại ĐH Khoa học Tự nhiên, nhiều SV đã đến hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trước giờ thi như phát miễn phí nước suối, suất cơm từ thiện tại cổng trường trước và sau giờ thi...

 

Đan Phương - Mạnh Minh - TTN


Ngày đầu kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1: Gần 200.000 thí sinh bỏ thi, 89 thí sinh bị kỉ luật
Ngày đầu kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1: Gần 200.000 thí sinh bỏ thi, 89 thí sinh bị kỉ luật

Hôm qua (4/7), hơn 650.000 thí sinh (chiếm 77% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi) đã tham dự kì thi ĐH đợt 1 với hai môn thi là Toán và Vật lí. Cả nước có 89 trường hợp thí sinh và 5 cán bộ bị xử lí kỉ luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN