Không hồ hởi như dự đoán của nhiều người, các thị trường tài chính và hàng hóa đã có những phản ứng không đồng nhất với thông tin châu Âu sẵn sàng cho Tây Ban Nha vay ưu đãi tới 100 tỷ euro để giải cứu ngành ngân hàng đang gặp khó khăn của nước này.
Thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận chỉ số MSCI lúc 22 giờ (giờ VN) tăng 0,4%; trong đó tăng mạnh nhất là chứng khoán châu Á. Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,96%, chỉ số Hang Seng của Hồng Công (Trung Quốc) tăng 2,44%, và chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc tăng 1,07%. Trong khi đó, thị trường Mỹ và châu Âu tỏ ra thận trọng hơn với gói cứu trợ dành cho ngành ngân hàng Tây Ban Nha. Lúc 22 giờ (giờ VN), các chỉ số EURO STOXX 50 (gồm 50 cổ phiếu blue-chip hàng đầu ở khu vực), FTSE 100 của Anh và DAX của Đức lần lượt tăng nhẹ 0,53%; 0,31% và 0,64%; trong khi 3 chỉ số chủ chốt của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm nhẹ 0,40%; 0,14% và 0,41%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent giao tháng 7 tại Sàn giao dịch điện tử Xinhgapo chiều 11/6 lần lượt tăng 1,98 USD (2,35%) và 2,04 USD (2,05%), lên 86,08 USD/thùng và 101,51 USD/thùng. Nhưng tại sàn giao dịch New York, giá dầu Brent lúc 22 giờ 30 (giờ VN) lại giảm 0,85 USD, xuống 98,62 USD/thùng.
Giá vàng không biến động mạnh sau thông tin về gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, song cũng có diễn biến trái chiều trên hai thị trường châu Á và Mỹ. Tại sàn giao dịch Xinhgapo chiều 11/6, giá vàng giao ngay tăng hơn 0,3% lên 1.598,56 USD/ounce, thậm chí có lúc lên đến 1.607,95 USD/ounce; trong khi ở thị trường New York tối cùng ngày, giá kim loại quý này lại giảm 0,32%, xuống 1.586,3 USD/ounce.
Ông Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại thuộc Đại học Cornell, cho rằng sự kiện này đã giúp thị trường thở phào khi cung cấp cho Tây Ban Nha một lượng tiền lớn để hỗ trợ các ngân hàng, góp phần tạo một bức tường bảo vệ những nước còn lại của Eurozone trong trường hợp Hy Lạp bị vỡ nợ. Chuyên gia Jacob Kirkegaard thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Mỹ cũng đánh giá, khoản vay 100 tỷ euro dành cho Tây Ban Nha góp phần ngăn thị trường rơi vào hỗn loạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khoản tiền 100 triệu euro nói trên chỉ có thể xoa dịu các thị trường tài chính thế giới và giúp các lãnh đạo châu Âu có thêm thời gian xử lý các nền kinh tế yếu kém khác. Khoản tiền này sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và cũng không thể giảm tình trạng thất nghiệp tràn lan. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Nicolas Veron thuộc tổ chức Bruegel (Brúcxen, Bỉ) nhận định: “Chúng ta vẫn còn khá nhiều vấn đề cơ bản phải giải quyết. Chúng ta cần nhiều biện pháp thực tế hơn những biện pháp như khoản vay 100 tỷ euro này”.
Minh Dương (tổng hợp)