Thỏa thuận khung tạo cơ hội hợp tác năng lượng cho Iran

Thỏa thuận khung đạt được đêm 2/4 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) sẽ hạn chế được khả năng làm giàu urani của Tehran, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này.

Đại diện Iran và P5+1 sau khi kết thúc đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN


Đó là đánh giá mà hai phát ngôn viên của cuộc đàm phán tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), là Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Zavad Zarif đưa ra sau khi ký kết thỏa thuận lịch sử chấm dứt 12 năm đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Theo bà Mogherini, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ cho phép Tehran sử dụng các công nghệ hiện đại, trong khi được quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này để thanh tra. Iran sẽ được tham gia hợp tác quốc tế trong sản xuất năng lượng hạt nhân cũng như xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu.

Tới đây các liên doanh quốc tế sẽ tiến hành hiện đại hóa các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran, cụ thể là tại Fordo và Arak, trong đó nhà máy Fordo sẽ được sử dụng như một trung tâm vật lý và công nghệ hạt nhân, còn lò phản ứng nước nặng tại trung tâm nghiên cứu Arak sẽ được thiết kế lại theo công nghệ hiện đại, nhằm loại trừ khả năng sản xuất plutoni dùng cho vũ khí tại đây. Nhà máy tại Natanz sẽ chỉ sản xuất urani hàm lượng thấp 3,76% phục vụ cho mục đích dân sự.

Trong khi đó, theo tin từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và truyền thông Iran, thỏa thuận khung quy định Tehran sẽ phải cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, còn 6.000 từ 19.000 máy hiện nay.

Tuy nhiên, trong 10 năm tới Iran chỉ được phép sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân. Theo Kế hoạch tổng thể chung được thông qua tại Lausanne, trong vòng 15 năm tới Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg. Lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển ra ngoài đất nước, không loại trừ đến Nga.

Một nội dung bất đồng rất khó thỏa thuận nữa là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo thỏa thuận Lausanne, quá trình nới lỏng và bãi bỏ trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) cũng như một số quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ được tiến hành đồng bộ và tương ứng với tình hình Tehran thực hiện các cam kết trên.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có thể được nối lại nếu thỏa thuận khung không được thực hiện. Thời hạn thanh tra quốc tế đối với một số cơ sở hạt nhân của Iran được duy trì trong 25 năm. Iran cũng cho phép các thanh tra quốc tế được tiếp cận rộng hơn với chương trình hạt nhân của mình, bao gồm các cơ sở "đã và còn chưa được công bố".

Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran được ký đêm 2/4, muộn 2 ngày so với thời hạn chót 31/3. Thỏa thuận đã mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc này 30/6. Theo nguồn tin trong phái đoàn Iran, cuộc gặp tiếp theo của Nhóm P5+1 và Iran ở cấp chuyên gia được ấn định vào ngày 14/4 tới.


TTXVN/Tin tức
Người Iran ăn mừng thỏa thuận với P5+1
Người Iran ăn mừng thỏa thuận với P5+1

Người dân Iran đã đổ xuống đường ăn mừng khi Tehran đạt được thỏa thuận khung với nhóm P5+1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN