Việc thực thi Thỏa thuận Minsk - 2 bước đầu có tiến triển với việc các bên liên quan ở Ukraine tuyên bố hoàn tất việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến.
Phát biểu ngày 10/3, phát ngôn viên quân sự Ukraine Anatoliy Stelmakh nói rằng, quân đội nước này đã rút toàn bộ các hệ thống pháo hạng nặng khỏi đường giới tuyến. Tổng thống Petro Poroshenko cũng khẳng định, Ukraine đã rút “phần lớn” vũ khí hạng nặng theo cam kết. Trước đó, đại diện hai Cộng hòa tự xưng Donesk và Lugansk thông báo lực lượng đòi độc lập ở Donbass đã hoàn tất lộ trình này theo đúng thời hạn quy định.
Rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến là một trong những điểm chính yếu của thỏa thuận Minsk đạt được hôm 12/2 vừa qua. Hoàn tất quá trình này sẽ thúc đẩy tiến trình đối thoại, hòa giải giữa Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Vadim Pristaiko nói rằng, một khi lệnh ngừng bắn được thiết lập, các bên hoàn tất rút vũ khí, chính quyền Kiev sẽ tính đến việc tổ chức các cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk có sự giám sát của quốc tế, phù hợp với luật pháp Ukraine và sẽ công nhận sự lựa chọn của người dân Donbass sau khi có kết quả cuối cùng.
Binh sĩ Ukraine chuyển vũ khí khỏi thành phố Artemivsk thuộc Donetsk. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Trên thực địa, mức độ giao tranh đã giảm rõ rệt trong 3 tuần qua. Tuy nhiên, các bên vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Tổng thống Poroshenko trước đó cho biết 64 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng kể từ thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực (15/2). Về phần mình, phe ly khai cáo buộc Kiev chỉ rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến 20-30km, để có thể đưa số vũ khí này trở lại sau vài giờ và nối lại cuộc chiến tổng lực vào bất cứ thời điểm nào.
Mỹ chưa chịu từ bỏ sức ép chống NgaKhủng hoảng Ukraine và đối sách với Nga là một nội dung được đề cập đến tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tại Nhà Trắng hôm 9/3. Phát biểu trước báo giới, ông Obama nhấn mạnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn đạt được sự thống nhất cao trong việc duy trì cấm vận chống Nga.
Thừa nhận đóng góp của các đối tác EU (Pháp, Đức) trong việc tạo lập Thỏa thuận Minsk - 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ vẫn nhấn mạnh cần tăng cường giám sát việc thực thi, duy trì áp lực lên Nga và phe ly khai tại miền Đông để bảo đảm các cam kết được tuân thủ nghiêm. Về phần mình, ông Tusk chỉ trích can dự của Nga tại Ukraine, coi đây là hành động làm suy yếu cái mà ông gọi là “nền tảng cộng đồng chính trị thế giới phương Tây”. Người đứng đầu EC cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ bền chặt, thống nhất xuyên Đại Tây Dương.
Trong một diễn biến khác, Mỹ sẽ điều 3.000 lính thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 tới Đông Âu vào tuần tới để tiến hành các cuộc tập trận với quân đội các nước Estonia, Latvia và Litva. Hoạt động này là một phần trong tiến trình luân chuyển quân sự của Mỹ, nhằm tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát ngôn viên Lầu Năm góc, Đại tá Steve Warren, thông báo 750 xe tăng, máy bay trực thăng, các phương tiện và trang thiết bị khác đã tới Riga, Latvia vào ngày 9/3. Sau tập trận, số vũ khí hạng nặng sẽ được để lại, phục vụ cho việc chuyển quân tới các nước vùng Baltic.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, việc NATO tăng cường binh lực dọc biên giới Nga không giúp ích cho việc khôi phục lòng tin giữa các bên thuộc không gian châu Âu - Đại Tây Dương. Đây được xem là phản ứng mới nhất của Moskva trước việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker kêu gọi thành lập quân đội riêng của EU để đối phó với Nga.
Hoài Thanh