Thống kê “chặt” để không bỏ sót

GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Chủ nhiệm Chương trình TCMR đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về những giải pháp để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được của chương trình TCMR trong 25 năm qua.

 

´Chương trình TCMR có “bí quyết” gì để duy trì và tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, thưa Giáo sư?


Chương trình TCMR đã lên kế hoạch tăng cường về mọi mặt nhằm đảm bảo công tác thống kê số lượng đối tượng tiêm chủng tại địa phương. Theo đó, các cán bộ y tế cơ sở (chủ yếu là trạm y tế xã, phường) có trách nhiệm thống kê chi tiết danh sách đối tượng trong diện TCMR. Hoạt động thống kê này sẽ không bó gọn trong việc giám sát từ số lượng trẻ được sinh đẻ trên địa bàn như trước mà còn phải ghi nhận cả con, em của người dân di cư, lao động tự do, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất...


Nhân viên y tế thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) tổ chức tiêm phòng bệnh cho trẻ.

 

Tới đây, Chương trình TCMR sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức và củng cố nguồn nhân lực ở tất cả các tuyến, các cơ sở. Tăng cường đào tạo và tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng, nhất là tuyến cơ sở. Tiếp tục mở rộng công tác tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức, huy động thêm sự ủng hộ về tinh thần, vật chất cho TCMR. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân.


Chương trình TCMR đang cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu triển khai mô hình điểm “Đẩy mạnh công tác TCMR cho địa phương vùng khó khăn” tại tỉnh Sơn La. Đây là một địa bàn vùng núi rộng, điều kiện giao thông rất khó khăn, muốn đến trạm y tế xã thì nhiều người dân phải đi hết nửa ngày đường nên nhiều người dân chọn cách sinh đẻ tại nhà. Ngành y tế cũng đang tìm giải pháp để thực hiện tốt tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ đúng trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

 
´Việc tăng cường trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong tiêm chủng cho các trạm y tế xã và các bệnh viện thì sao, thưa Giáo sư?


Quả thực, đây cũng là một thách thức đang đặt ra với những người làm công tác TCMR. Do các nguyên nhân về thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị, vấn đề cung cấp điện tại địa phương... nên việc lưu trữ vắcxin chưa thể triển khai ở tuyến xã và mới đảm bảo ở tuyến huyện. Để khắc phục điều này, chương trình TCMR đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai mô hình cung cấp vắcxin liên xã để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm vắcxin 24/24 giờ, nhất là cho những trường hợp sinh đẻ tại trạm y tế xã, chương trình sẽ đầu tư trang thiết bị bảo quản vắcxin đúng quy định của Bộ Y tế tại một xã có vị trí trung tâm. Khi người dân có nhu cầu, cán bộ của một số trạm y tế xung quanh có thể sang trạm y tế này nhận vắcxin để kịp thời tiêm chủng cho trẻ.


Còn tại các bệnh viện, chương trình đã đề nghị với Bộ Y tế về việc tăng cường chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. Khi các bệnh viện coi việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ sơ sinh là nhiệm vụ của mình thì sẽ chú trọng việc trang bị tủ lạnh bảo quản vắcxin chuyên dụng nhằm đảm bảo chất lượng vắcxin và an toàn trong tiêm chủng.


´Rất nhiều cán bộ tiêm chủng phàn nàn về mức hỗ trợ tiêm chủng theo Thông tư 147 là quá thấp. Vậy khi nào thì thông tư này mới được sửa đổi, thưa Giáo sư?


Việc chỉnh sửa một số quy định về mức hỗ trợ tiêm chủng trong Thông tư 147 theo hướng tăng đã được hoàn tất và hiện đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. Chúng tôi hy vọng văn bản này sẽ sớm được ban hành để sớm đi vào cuộc sống, hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho những cán bộ làm công tác tiêm chủng.

 

Xin cảm ơn Giáo sư!

Để cho tất cả trẻ em được tiêm chủng
Để cho tất cả trẻ em được tiêm chủng

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được thực hiện trong 25 năm qua đã giúp phòng ngừa được khoảng 6,7 triệu ca mắc và giảm 42.900 ca tử vong cho cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN