Trong đó khoản thu nội địa thực hiện tháng 4 ước đạt 89,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế 4 tháng ước đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, tiền bán cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thì thu nội địa 4 tháng đạt 33,4% dự toán năm, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước.
Thu NSNN bằng máy chấp nhận thẻ (POS) tại KBNN quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN. |
Trong tháng 4, một số khoản thu tiến độ đạt khá so dự toán như nguồn thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 34,4% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 40,7% dự toán năm; thu phí, lệ phí (bao gồm lệ phí trước bạ) đạt 37,1% dự toán năm; các khoản thu về nhà, đất đạt 50,3% dự toán năm; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 56,4% dự toán năm.
Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 45/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 32%), trong đó 25 địa phương thu đạt trên 36% dự toán năm; 51/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 12 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế đã quyết liệt triển khai công tác thu thông qua rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; đồng thời, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; tổ chức triển khai các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp[2]; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu, tăng cường kết nối thông tin và phối hợp thu với các ngân hàng; tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Đặc biệt, giá dầu thô của Việt Nam bình quân 4 tháng đầu năm khoảng 55,6 USD/thùng, tăng 5,6 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng lũy kế 4 tháng ước đạt 4,15 triệu tấn, bằng 33,6% dự toán năm, bằng 76,3% so cùng kỳ năm 2016. Nguồn thu NSNN từ dầu thô trong 4 tháng ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Đối với nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), thực hiện tháng 4 ước đạt 22,5 nghìn tỷ đồng (loại trừ 10,34 nghìn tỷ đồng hoàn thuế giá trị gia tăng thì thu cân đối từ hoạt động XNK là 12,16 nghìn tỷ đồng), lũy kế 4 tháng ước đạt 92 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (37 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng ước đạt 55 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán năm, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng: Cơ quan Hải quan đang tích cực thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, kiểm tra các trường hợp giảm thuế, miễn thuế, không thu thuế; kiểm tra hoàn thuế. Tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu ngân sách nhà nước để có giải pháp chủ động trong điều hành.
Tổng chi NSNN tháng 4 ước đạt 108,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng ước đạt 393, nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt ,56 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán năm, tăng 20%; chi trả nợ lãi đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán năm, tăng 10%; chi thường xuyên đạt 287,35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 4 và 4 tháng được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng đầu năm ước đạt 18,8% dự toán năm (cùng kỳ năm 2016 đạt 18%). Công tác triển khai phân bổ dự toán chi đầu tư công năm 2017 chậm (tính đến ngày 15/2/2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án); đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017, Quốc hội chưa thông qua danh mục và mức vốn cho từng dự án, nên chưa giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.