Đây là 1 trong số 8 Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong năm APEC 2017 mà Việt Nam là nước chủ nhà.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu chào mừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC là cơ hội để các Bộ trưởng Thương mại trao đổi về các thỏa thuận hợp tác thương mại hiện nay của APEC và định hướng cho tầm nhìn APEC 2020 nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ cùng đánh giá lại những kết quả trên thực tế những thỏa thuận, về định hướng hợp tác để thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng tự do hóa thương mại, hướng tới những cải cách ngày càng mạnh mẽ hơn.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các Bộ trưởng Thương mại APEC và các vị khách mời tới tham dự Hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, APEC đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các chương trình đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách tại các nền kinh tế thành viên.
Các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối, gia tăng chuỗi giá trị, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ... đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực.
Thủ tướng cho rằng, APEC có sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế cũng như sự khác nhau về văn hóa, thể chế chính trị, chính sách phát triển…, do vậy APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo nên tính riêng biệt nổi bật của hợp tác APEC so với những tổ chức và diễn đàn khác trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta thiếu lòng tin, quyết tâm chính trị, hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư, lưu chuyển hàng hóa thương mại trong khu vực…” .
Đại biểu Chile tham dự hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Thông tin đến các đại biểu về nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, với quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ về cải cách và tăng cường hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác APEC. Sau 11 năm, kể từ khi đăng cai APEC lần đầu năm 2006, năm nay Việt Nam vinh dự được chủ trì năm APEC 2017 với phương châm hợp tác với các nền kinh tế thành viên trong khu vực cùng nhau xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển và kết nối thịnh vượng.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, hội nghị sẽ có những phiên thảo luận tích cực, thực tế và hiệu quả, tập trung rà soát quá trình triển khai chủ đề, các ưu tiên của năm APEC 2017 và thông qua các sáng kiến được các nền kinh tế thành viên đưa ra để báo cáo lên Hội nghị các Nhà lãnh đạo cấp cao APEC tháng 11/2017 nhằm hướng con tàu APEC tới tương lai tương sáng, tốt đẹp hơn cho mọi người dân trong khu vực.
Sau nghi thức chụp ảnh chung, Hội nghị bắt đầu làm việc với phần phát biểu mở đầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Đề cập đến những tín hiệu dự báo khả quan về tình hình phát triển của kinh tế thế giới thời gian tới, trong đó có khu vực các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các nền kinh tế APEC cần giữ vững vai trò tiên phong của mình, không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật để phát triển và thịnh vượng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhắc đến những khó khăn, thách thức mà các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt và cho rằng, để vượt qua những khó khăn này, cần đẩy mạnh hợp tác đa phương để có các chính sách nhất quán, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Trong 2 ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 được kỳ vọng sẽ đưa ra và thống nhất được những nội dung nhằm tạo ra các khuôn khổ hợp tác mới của APEC, tiến đến thực hiện đúng hạn các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và tầm nhìn của APEC trong tương lai.