Tìm giải pháp cho giao thông thủy ĐBSCL - Bài cuối: “Ì ạch”... thông luồng

Việc phát triển hệ thống các cảng biển ở khu vực ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn là do các cửa chính: Định An, cửa Tiểu thuộc sông Tiền, sông Hậu bị bồi lắng nhiều và nhanh, phải nạo vét thường xuyên gây ra nhiều tốn kém. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là giải pháp khơi thông luồng cho tàu biển lớn vào các cảng biển trên sông Hậu.

 

Nhiều lý do chậm trễ


Theo đó, các ngành chức năng đã tìm hướng cho tàu lớn qua cửa Định An bằng cách xây dựng dự án mở cửa qua kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh). Theo dự kiến dự án này có thể cho tàu vào cụm cảng Cần Thơ khoảng 10.000 tấn (đầy tải) hoặc 20.000 tấn (vơi tải). Dự án khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay tiến độ dự án rất chậm và luôn biến động theo thời gian.


 

Dự án kênh Quan Chánh Bố bị ngưng hoạt động trong thời gian dài vì thiếu kinh phí.

 

Ông Trần Hữu Hiệp nhìn nhận, dự án đào kênh Quan Chánh Bố đến nay đã trễ tiến độ do tạm hoãn, ngừng thi công và giãn tiến độ. Với tổng vốn ban đầu là 3.200 tỷ đồng và hiện nay theo khảo sát lần thứ 8 của Cục Hàng hải thì vốn đã đội lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy sẽ rất khó khăn trong việc bố trí vốn để tiếp tục thực hiện kênh Quan Chánh Bố này.


Bên cạnh đó, dự án thông luồng kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng giậm chân tại chỗ kể từ khi triển khai dự án đến nay. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL. Để đảm bảo luồng tuyến đủ phục vụ nhu cầu cho giao thông thủy ĐBSCL, tháng 10/2009, Bộ GTVT có quyết định số 3178/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” có tổng vốn hơn 4.200 tỉ đồng, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có các hạng mục: Mở rộng lòng kênh thêm 80 m về phía bờ đông, xây bờ kè chắn sạt lở, đê chắn sóng và một tuyến đường giao thông trên mặt đê. Tuy nhiên cho đến nay kênh này cũng đang phải “nằm chờ” vốn.

 

Đổi cát lấy luồng


Từ năm 2009 đến nay mỗi năm cơ quan chức năng đều chi 18-30 tỷ đồng để nạo vét luồng Định An nhưng lại không có kết quả như mong muốn. Theo ông Phan Thành Tiến, kể từ khi bắt đầu nạo vét luồng Định An đến nay chưa có lần nào nạo vét quá nửa triệu mét khối. Số lượng nạo vét quá ít không đủ bù đắp cho lượng phù sa của sông Mê Công trôi về cửa Định An là do phương tiện nạo vét quá cũ kỹ.


Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ kênh Quan Chánh Bố chưa biết đến khi nào sẽ hoàn thành thì vẫn phải tiếp tục nạo vét luồng Định An.


Theo ông Doãn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP Hồ Chí Minh, để đáp ứng nhu cầu sản xuất và vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa mà hiện nay chưa có luồng khác thì chúng ta nên chấp nhận cho việc nạo vét luồng Định An với hình thức có thể là hợp tác với nước ngoài hay bán cát.


Đồng quan điểm, ông Phan Thành Tiến cho rằng: “Với tình hình kinh tế hiện nay thì chúng ta nên thực hiện chủ trương đổi cát lấy luồng. Chính phủ đã cho phép xuất nhập khẩu cát nhiễm mặn ở các cửa sông. Tôi cho rằng thông báo này là hướng mở cho chúng ta. Hàng năm, chúng ta nạo vét quá ít và chiều rộng luồng cũng quá nhỏ, chỉ từ 80 -120 m. Khi cho phép nạo vét để lấy cát thì chúng ta có thể tăng chiều ngang của luồng lên 300 - 500 m, thậm chí là 1 km”.


Nhiều ý kiến cũng rằng, trong khi Quan Chánh Bố còn chưa có và luồng Định An chưa cho phép tàu trọng tải trên 10.000 tấn ra vào thì chúng ta có thể chọn cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ làm cảng cạn, bãi tập kết giống như hình thức tổ chức cảng Phước Long của TP.HCM. Làm cảng cạn tức là không tập trung đầu tư lớn về hạ tầng, cầu cảng mà chủ yếu là tìm đối tác để khai thác cảng, hợp tác đầu tư và cho thuê dài hạn. Đây là cách giải quyết vấn đề vận tải hàng hóa cho ĐBSCL trong khi các dự án phân luồng còn triển khai khá “ì ạch”.


Bài và ảnh: Đan Phương

Tìm giải pháp cho giao thông thủy ĐBSCL - Bài 2: Cảng hoạt động cầm chừng
Tìm giải pháp cho giao thông thủy ĐBSCL - Bài 2: Cảng hoạt động cầm chừng

Hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có cảng phục vụ vận tải thủy. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất qua các cảng còn chiếm tỷ lệ thấp so với tiềm năng. Thậm chí, nhiều cảng có năng lực vận chuyển hàng hóa lớn nhưng lại hoạt động cầm chừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN