Hiện tiến độ thu mua tạm trữ lúa vụ hè thu năm 2013 vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo tồn kho lớn, xuất khẩu khó khăn, nhiều đơn vị chưa muốn mua vì “ngại” chất lượng lúa gạo thấp không đạt chuẩn.
Thời tiết gây bất lợi
Những ngày này, gia đình anh Lê Văn Út ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đứng ngồi không yên vì lúa chất đầy nhà nhưng vẫn chưa bán được. Có rất nhiều thương lái đến tìm hiểu, nhưng họ trả giá thấp nên anh vẫn chần chừ chưa muốn bán. Đưa tay chỉ từng bao lúa được xếp ngay ngắn ở trong nhà, anh than thở: “Giá lúa IR 50404 thương lái mua tại ruộng chỉ có 3.600 - 3.800 đồng/kg, còn lúa hạt dài 4.000 - 4.200 đồng/kg. Với giá này, nhà nông chúng tôi may lắm là huề vốn. Đã vậy, do mưa kéo dài đúng thời điểm thu hoạch rộ gây khó khăn trong phơi sấy, vận chuyển… nên chất lượng lúa vụ hè thu năm nay không bằng mọi năm. Đây chính là điểm thương lái bắt bí, tìm cách hạ giá lúa của nhà nông”.
Bốc xếp gạo vừa chế biến sau khi mua tạm trữ tại Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh Hậu Giang gieo cấy hơn 76.000 ha, vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến trong tháng 7, toàn tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm với tổng sản lượng lúa ước đạt hơn 420.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa chiếm hơn 83%. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân đang “kêu trời” vì đang kỳ thu hoạch gặp phải mưa lớn kéo dài, không có chỗ phơi nên lúa mọc mầm. Còn tại tỉnh Long An, nhà nông cũng đang “rối bời” trong thu hoạch. Tổng diện tích vụ lúa hè thu cả tỉnh khoảng 230.000 ha nhưng đến nay mới thu hoạch hơn 50%. Tiến độ thu mua càng chậm càng bất lợi cho nông dân khi lúa vừa thu hoạch thì gặp mưa nên thương lái chỉ trả chưa tới 3.000 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do lúa thu hoạch vào lúc mưa nhiều nên khi xay xát, gạo thường bị đen, không đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu và tỷ lệ hao hụt cao (khoảng 17%). “Lượng lúa gạo chúng tôi thu mua chưa đạt yêu cầu và do mưa nhiều nên chất lượng gạo cũng không cao. Với tình hình xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay, lúa gạo có chất lượng thấp sẽ rất khó tiêu thụ. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực giúp bà con giảm áp lực về sân phơi, kho, bãi tàng trữ… vì mưa vẫn chưa có dấu hiệu dứt”, ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang, chia sẻ.
Tìm chiến lược dài hơi
Để tiêu thụ được lượng gạo tồn từ vụ đông xuân năm 2012 và gạo thu hoạch trong vụ hè thu 2013, theo ý kiến của nhiều người trong cuộc, doanh nghiệp sẽ phải trộn gạo của hai vụ lại mới có thể bán với giá khả quan hơn. Nếu không trộn, lượng gạo thu hoạch trong vụ hè thu sẽ khó bán ra do chất lượng thấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào xuất khẩu mà cũng cần quan tâm chú ý đến việc tiêu thụ tại thị trường nội địa. Cụ thể, gạo chất lượng cao dành cho xuất khẩu, còn gạo có phẩm cấp thấp có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa cho các nhu cầu khác nhau như: chăn nuôi, chế biến thực phẩm...
Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản được tổ chức mới đây tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương cho rằng, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là hơn 4 triệu tấn. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn như: bị nhà nhập khẩu ép giá do không có yếu tố hợp đồng tập trung số lượng lớn để dẫn dắt giá; chất lượng, đặc biệt là loại gạo cao cấp vụ hè thu chưa được đánh giá cao về độ thuần chủng, màu sắc và chất lượng gạo…
“Nếu những vấn đề này không được xử lý thì giá gạo của nước ta tiếp tục bấp bênh trong thời gian tới và công tác xây dựng thương hiệu gạo sẽ rất khó khăn. Hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tiêu thụ lúa gạo, thực hiện những giải pháp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, theo dõi sát diễn biến của thị trường nhằm có giải pháp điều hành linh hoạt, bám sát thị trường truyền thống, tranh thủ cơ hội ký kết các hợp đồng mới nhằm giúp nhà nông giải tỏa áp lực về đầu ra”, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Lê Nghĩa