Nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số do vay số tiền quá lớn, lãi cao, không đủ khả năng trả nợ đã bị hăm dọa tính mạng, tịch thu phương tiện sinh hoạt, sản xuất, thậm chí là mất nhà, đất ở, nhiều người rơi vào vòng lao lý.
Tiếp thị tiền vay đến tận nhà
Trong vai người muốn vay tiền, phóng viên đã tìm về xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Dọc theo tỉnh lộ 8 qua địa bàn các buôn Sút M’grư, thôn 6, thôn 1, trên các chân trụ điện, tường bê tông, cổng chào buôn, các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền trả góp với lãi suất thấp, được dán chằng chịt. Với lời mời chào ngon ngọt, thủ tục cho vay tiền đơn giản, nhanh gọn như: “Vay không cần thế chấp - Chỉ cần chứng minh thư nhân dân”, “Alô là có tiền - Giới thiệu có hoa hồng” kèm theo số điện thoại để liên lạc. Chiêu trò quảng cáo “siêu hót” này đã giúp các đối tượng hoạt động tín dụng đen “vươn vòi” len lỏi khắp buôn, làng.
Từ số điện thoại in trên mẫu tờ rơi “Alô là có tiền” được dán ở trụ điện, trước con đường chính dẫn vào buôn Sút M’grư phóng viên đã gọi đến số này, chỉ sau 4 hồi chuông, đầu dây bên kia giọng nam giới bắt máy. Khi phóng viên ngỏ ý hỏi muốn vay 30 triệu đồng để mua phân bón, không một phút chần chừ, người này đã hướng dẫn một cách chuyên nghiệp, tận tình cách vay tiền với điều kiện chỉ cần chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và người này hứa chỉ 3 tiếng sau sẽ có nhân viên liên hệ đến tận nhà cho vay tiền.
Buôn trưởng buôn Sút M’grư Y Đức Êban cho biết, hiện nay tờ rơi cho vay tiền được in bằng giấy A4, có số điện thoại kèm theo được dán rất nhiều ở các chân cột điện, tường bê tông, cổng chào, có người đến nhà người dân mời chào cho vay tiền, thủ tục thì đơn giản, chỉ một vài tiếng là có tiền. Trong buôn hộ nào khá giả thì không quan tâm đến các tờ rơi, nhưng những hộ nghèo, đang cần tiền để đầu tư sản xuất, lo cho con cái ăn học sẽ tiếp cận kiểu vay này. Mỗi lần họp buôn đều nhắc nhở, nhưng nhiều hộ dân vì quá khó khăn vẫn bất chấp vay tín dụng đen.
Theo Chủ tịch UBND xã Cư Suê, Đặng Văn Hoan, việc huy động vốn cho vay tín dụng ở thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số thực chất là hoạt động “tín dụng đen” vì người vay tiền không thông qua ngân hàng, người cho vay không đăng ký kinh doanh cũng không chịu sự quản lý của cơ quan, đơn vị nào. Nhiều người dân do không hiểu biết được rủi ro của việc vay tín dụng đen đã thế chấp cả nhà, sổ đỏ. Sau một thời gian, do không trả kịp số lãi và gốc đã cao lên nhiều lần, bị xã hội đen o ép, xiết nợ, nhưng do sợ bị trả thù nên không có hộ dân nào đến trụ sở UBND xã để trình báo.
Người nghèo dễ dàng sập bẫy
Rời xã Cư Suê chúng tôi tìm về xã vùng sâu Ea H’đinh, huyện Cư M’gar. Hỏi thăm nhà ông Y Đrung và bà H’Nháp Niê, buôn Trấp người dân ai cũng xì xào chuyện gia đình ông Y Đrung mới bị xã hội đen đến nhà siết tài sản do vợ chồng ông vay tín dụng đen không đủ khả năng trả nợ.
Ngồi trước hiên nhà, vẻ mặt vẫn chưa hết thất thần ông Y Đrung cho biết: “Tháng 6/2018 do hoàn cảnh quá khó khăn vợ chồng tôi được một người tên Loan ở buôn Kor Sier, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Sau 20 ngày của tháng đầu tiên, gia đình tôi phải trả 20 triệu tiền lãi, tháng thứ 2 gia đình chỉ có 8 triệu để trả lãi, đến tháng thứ 3 do lãi nhân lên cao quá nên tôi không còn có tiền trả lãi nữa, sau đó một nhóm 4 thành niên đi ô tô đến nhà tôi bắt đi một con lợn và thu giữ một xe máy hiệu AB (của con rể) và bắt tôi ký vào một tờ giấy. Vợ chồng tôi đều không biết chữ, họ bảo ký thì ký chứ không biết là bị lừa vay tiền lãi cao”.
Chủ tịch UBND xã Ea H’đinh Nguyễn Hữu Nhất cho biết, thời gian gần đây việc các băng nhóm xã hội đen đến các thôn, buôn cho vay siết nợ khiến người dân vô cùng lo lắng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, UBND xã đã báo cáo lên Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ nhóm đối tượng. Ngoài trường hợp vay tín dụng đen của gia đình ông Y Đrung, UBND xã Ea H’đinh cũng vừa nhận được thông báo của công ty đòi nợ thuê có trụ sở ở thành phố Buôn Ma Thuột sẽ đến đòi nợ đối với 5 hộ trong xã vay tiền lãi cao khoảng 1 tỷ đồng.
Tại buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, gia đình bà H’Bét Knul cũng là nạn nhân của tình trạng vay nặng lãi. Bà H’Bét Knul kể: “Do cần một khoản tiền lớn nhưng chúng tôi vay vượn bà con, họ hàng mãi không được, tháng 9/2018 tình cờ tôi nhặt được một tờ rơi quảng bá cho vay trả góp lãi suất thấp có cả số điện thoại để liên hệ vay. Chỉ sau 30 phút gọi điện đặt vấn đề, đã có 2 nam thanh niên đến tận nhà cho tôi vay 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày trả góp 750.000 đồng (lãi suất 180%/năm), với thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu. Do số tiền lớn, nhiều hôm không trả kịp lãi, gia đình bị các đối tượng đe đọa, đánh đập khiến gia đình rất lo lắng”.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 nhóm cho vay lãi với hàng trăm đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia, hoạt động tín dụng đen không chỉ ở thành phố, thị trấn mà còn len lỏi xuống tận từng thôn buôn vùng sâu, vùng xa.
Phương thức hoạt động của các nhóm này là tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính. Hằng ngày, các đối tượng in hàng trăm tờ quảng cáo rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên các bức tường, cột điện. Người dân muốn tiếp cận vay vốn chỉ cần gọi đến số điện thoại có sẵn trên tờ rơi, kèm theo hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, hộ nào vay số tiền lớn hơn 50 triệu đồng thì chúng còn buộc phải cầm lại giấy tờ nhà, đất.
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc điều tra, bước đầu phát hiện bắt giữ 1 nhóm 10 đối tượng hoạt động tín dụng đen. Đó là: Bùi Văn Thịnh, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Năm, Hoàng Văn Cương, Nguyễn Đức Khương, Lê Trung Hiếu, Bùi Văn Tình, Vũ Văn Mạnh, Phạm Đình Bảo, đều ở thành phố Hải Phòng do Bùi Văn Thịnh cầm đầu vào cấu kết với Nguyễn Ngọc Tuyền, ở huyện Krông Ana, Đắk Lắk để hoạt động.
Chỉ hai năm, nhóm này đã cấu kết cho 269 hộ dân vay với 269 bộ hồ sơ; trong đó có 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn. Kiểm tra nơi ở các đối tượng, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhiều thiết bị máy móc, vật chứng cùng các giấy tờ liên quan chuyên cho vay nặng lãi, siết nợ cưỡng đoạt tài sản khi người dân không đủ khả năng trả với số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng, lãi suất 30% một tháng.
Qua điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 4/10 đối tượng để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản gồm: Bùi Văn Thịnh (26 tuổi), Vũ Văn Mạnh (26 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi).
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, với thủ đoạn gài bẫy như cho vay chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, sổ đỏ, với lãi suất thấp chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Do vay số tiền lớn nên chỉ sau một thời gian, tiền lãi tăng nhanh và được cộng dồn vào tiền gốc rồi khoản nợ cứ thế phình ra nhiều hộ dân đã mất cả đất, nhà ở vì nợ tín dụng đen. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Công an các huyện, thị xã lập các chuyên án, tăng cường đấu tranh với hoạt động cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen trên địa bàn.
Tình trạng cho vay tín dụng đen đang gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, gây ra nhiều hệ lụy, làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã có văn bản yêu cầu cấp ủy chính quyền các cấp, lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh ngăn chặn những hệ lụy xấu từ vấn nạn tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay tín dụng đen, cưỡng chế, siết nợ, tăng cường tuyên truyền người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vay tiền ở các ngân hàng, tổ chức cho vay hợp pháp, không nghe, tin, vay tín dụng đen.