Các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Xyri và phe đối lập vẫn chưa lắng dịu, trong khi vụ việc lực lượng phòng không Xyri bắn rơi một máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận nước này hôm 22/6 đang khiến cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng qua tại Xyri tăng thêm mức độ nguy hiểm trên bình diện quốc tế.
Hãng tin SANA của Xyri ngày 25/6 cho biết, các nhóm vũ trang đối lập tại nước này đã làm nổ tung một đường ống dẫn dầu ở tỉnh Deir al-Zour. Theo SANA, đường ống này sẽ được sửa chữa và hoạt động trở lại trong vài ngày tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri, Jihad Makdessi, ngày 25/6/2012 khẳng định chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm chủ quyền Xyri. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Chiếc tàu Nga chở các máy bay trực thăng tấn công mà nước này sửa chữa cho Xyri đã trở về Nga ngày 25/6. Tàu Alaed bị buộc phải từ Anh trở lại Nga sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hối thúc công ty bảo hiểm của Anh Standard Club rút lại hợp đồng với tàu Alaed. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 21/6 đã xác nhận việc Nga trả lại cho Xyri 3 máy bay trực thăng Mi-25 được sửa chữa tại các nhà máy của Nga theo hợp đồng không thể hủy bỏ năm 2008. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga không cần phải thanh minh với Mỹ về cách hành xử của mình vì Mátxcơva không vi phạm bất kỳ luật lệ nào. |
Liên quan đến vụ Xyri bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc ngày 25/6 đã kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế. Iran cũng kêu gọi Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong khi tìm cách giải quyết vụ việc trên, đồng thời bày tỏ hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết một cách thận trọng và thông qua đối thoại, giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án Xyri bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết sẽ làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ra một phản ứng phù hợp. Italia cũng lên án Xyri và cho biết Rôma sẽ tham gia tích cực trong cuộc tham vấn tại NATO về vụ này.
Trong một diễn biến khác ngày 25/6, ngoại trưởng 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh trừng phạt mới với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, với mục tiêu là các bộ và công ty nhà nước, trong đó có một ngân hàng và một kênh truyền hình. Đây là vòng chế tài thứ 16 của EU nhằm vào Xyri kể từ tháng 3/2011, với tổng cộng 129 người và 49 thể chế trong chế độ của Tổng thống Al-Assad bị liệt vào “danh sách đen” của EU. Lệnh trừng phạt ngày 25/6 của EU bao gồm cả danh mục bảo hiểm hàng hóa gửi tới Xyri (trong đó có vận chuyển vũ khí) sau vụ một tàu vận tải Nga được công ty Anh bảo hiểm chở máy bay trực thăng tấn công tới Xyri cách đây vài ngày.
Cùng ngày, Ôxtrâylia cũng thông báo các biện pháp mới trừng phạt Xyri, bao gồm hạn chế hoặc cấm các trao đổi thương mại trong các lĩnh vực dầu mỏ, dịch vụ tài chính, viễn thông, kim loại quý. Ngoại trưởng Ôxtrâylia Bob Carr cũng kêu gọi Nga đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy chuyển giao quyền lực tại Xyri. Tuy nhiên, cho đến nay, Mátxcơva vẫn không hưởng ứng phương Tây kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad từ chức và tuyên bố sẽ ngăn cản mọi ý định của HĐBA sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Xyri.
Hồng Hạnh - T.L