Con đường dẫn vào bản Cửa Rào, xã Môn Sơn giờ đây xe ô tô có thể ra vào. Hai bên đường là những ngôi nhà xây theo diện tái định cư của đồng bào Đan Lai xen lẫn ngôi nhà sàn của đồng bào Thái.
Vừa thấy Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, nhân viên Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) bước xuống xe, bà La Thị Nguyệt, người Đan Lai, bản Cửa Rào, hồ hởi nói: “Thanh xuống bản hả con? Để mẹ hái đậu về cho bộ đội ăn”. Thiếu tá Thanh vui vẻ đùa với bà Nguyệt là bộ đội mua hết đậu của mẹ, bộ đội ăn nhiều lắm. Tiếng cười giòn giã vang lên trong khu vườn nhỏ trước nhà.
Hai năm công tác tại Đồn Biên phòng Môn Sơn, đồng bào các bản ở Môn Sơn đã quen thuộc với hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh trên chiếc xe máy rong ruổi khắp các bản làng. Thiếu tá Thanh cho biết, là nơi tuyến đầu biên cương, Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ưu tiên hàng đầu là bảo vệ bình yên biên giới, chủ quyền quốc gia, các cán bộ, chiến sỹ còn giúp đồng bào phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, tuyên truyền dân số… Với những việc làm thiết thực trên, người dân đặt niềm tin vào cán bộ, chiến sỹ Biên phòng.
Kết hôn được hai năm và giờ dọn ra ở riêng, gia đình chị La Thị Phượng, người Đan Lai ở bản Cửa Rào được Bộ đội Biên phòng, người dân hỗ trợ dựng ngôi nhà sàn khang trang, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Hơn thế nữa, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Môn Sơn còn hỗ trợ lợn giống, tặng 2 con dê và một con bò để gia đình chị phát triển kinh tế. Chứng kiến cảnh các anh bộ đội đang căn chỉnh trụ nhà, chèn đá, tiếng hô đồng thanh cùng người dân di dời thanh gỗ lớn… chúng tôi cảm nhận được tình cảm quân dân ấm áp nơi biên cương Tổ quốc.
Như chị Phượng chia sẻ, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng giúp đỡ nhân dân rất nhiều. Làm theo hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng, cuộc sống gia đình chị bớt khó khăn hơn.
Bản Cửa Rào, xã Môn Sơn có 34 hộ tái định cư của tộc người Đan Lai chuyển về sinh sống từ năm 2002. Từ chỗ không biết làm nương rẫy, chăn nuôi, giờ đây đồng bào đã biết trồng lúa, nuôi bò, nuôi dê, dần dần ổn định cuộc sống.
Để có sự thay đổi trên, Đồn Biên phòng Môn Sơn cùng chính quyền địa phương đã rất nỗ lực hướng dẫn người dân từ những việc nhỏ nhất như ăn ở, sinh hoạt hàng ngày cho đến phát triển kinh tế… Giờ đây, nếp sống của người Đan Lai đã ổn định, hòa nhập cộng đồng bên những bản làng người Thái ở Môn Sơn.
Xã biên giới Môn Sơn có 14 bản với 2.233 hộ dân, 80% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là người Đan Lai và một số ít người Kinh. Trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao (25%), nhất là 2 bản người Đan Lai (Khe Búng và Cò Phạt). Nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán có nơi còn lạc hậu.
Những điều này dần thay đổi từ khi Đồn Biên phòng Môn Sơn và chính quyền địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; củng cố an ninh - quốc phòng ở các xã biên giới, hải đảo”, Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Theo đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, đưa chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh ở địa bàn như: Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (trồng cam, trồng mía, hỗ trợ dê giống…); giúp người dân phát triển rừng, ao, chuồng. Tại bản Khe Búng và Cò Phạt của người Đan Lai, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng, mở rộng diện tích lúa, khám chữa bệnh cho nhân dân, làm đường, làm nhà, xây dựng bản văn hóa…
Đồn Biên phòng Môn Sơn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới giáp nước bạn Lào dài 36,5 km, có 7 cột mốc với địa bàn rộng, địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Ngoài tuần tra đảm bảo trật tự an toàn vùng biên, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến chủ quyền an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Môn Sơn còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở bản Nam Sơn, xã Môn Sơn, mới thấy được hiệu quả công tác dân vận kéo của Bộ đội Biên phòng khi đồng bào rất ý thức về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Chị Quang Thị Vân, người Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở bản Nam Sơn cho biết, chị em nhận thức rõ, bảo vệ chủ quyền biên giới không chỉ là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng mà còn là nhiệm vụ của chính bản thân mình, của mọi người ở bản làng.
Dựa vào quần chúng nhân dân, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhiều mô hình, cách làm hay mà quân dân Môn Sơn phát huy tốt như: Mô hình tổ tự quản đường biên cột mốc và tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản; các câu lạc bộ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở ba bản Bắc Sơn, Nam Sơn, Làng Yên… Trên cơ sở đó, quần chúng nhân dân đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới và cung cấp nguồn tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các bản luôn ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra, hệ thống đường biên cột mốc luôn được giữ vững.
Thượng tá Lê Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, các cán bộ, chiến sỹ coi mình là những người con của bản làng, yêu quý vùng đất mình đang làm nhiệm vụ. Nhiều năm qua, tình cảm của đồng bào nơi đây giúp các anh vững vàng tay súng, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Rời Môn Sơn trong cái nắng chiều nhẹ nhàng của tháng 3, phía sau chúng tôi là con đường rợp bóng cờ Tổ quốc đỏ rực chạy giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Nơi tuyến đầu của biên cương xứ Nghệ in đậm hình ảnh người lính Biên phòng được dân tin, dân quý.