Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương

Chiều 30/9, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến băn khoăn về phương án đưa ra trong dự thảo luật: Tổ chức hay không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường và đề nghị cân nhắc, thảo luận kỹ trong kỳ họp tới của Quốc hội.


Bảo đảm hoạt động hiệu quả


Theo tờ trình của Chính phủ, sau 11 năm thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003 (gọi là Luật năm 2003), Luật năm 2003 đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.


Vì vậy, xây dựng Luật Chính quyền địa phương để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu quả, hệ thống hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.


Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề như: tổ chức đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.


Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Luật được xây dựng trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính. Bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.


Dự thảo luật phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu.


 

Băn khoăn không tổ chức HĐND


Với dự thảo luật, đa phần ý kiến quan tâm đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo dự thảo, có hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Phương án 1: Không tổ chức HĐND ở quận, phường. Phương án này căn cứ vào Điều 111 Hiến pháp 2013 và kế thừa có chọn lọc kết quả thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở một số tỉnh trong thời gian qua.


Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường).


Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, hiện tại đã thí điểm mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nếu đã có đánh giá mô hình này tốt thì thực hiện theo phương án 1 luôn, tại sao lại phải có cả phương án 2.


“Nếu đưa ra mô hình này thì có đánh giá tác động quyền công dân hay không vì công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp. Nơi tổ chức HĐND và không tổ chức HĐND thì quyền người dân có bị xâm phạm không?”, đại biểu Khoa đặt câu hỏi.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, có tổ chức HĐND quận, phường hay không thì cần phải nghiên cứu. Kinh nghiệm của Nhật Bản là thành phố Tokyo hoàn toàn không có HĐND cấp quận. “Theo tôi đã bỏ HĐND thì bỏ cả UBND. Khi đó, ở cấp này không có cấp chính quyền mà chỉ có đại diện chính quyền, chứ không nên đặt vấn đề còn tồn tại UBND quận, phường mà lại không có HĐND”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói.


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho thấy, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng. Ủy ban pháp luật đề nghị cơ quan trình dự án cần làm rõ khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”, mối quan hệ giữa HĐND và UBND; làm rõ những điểm chung và khác biệt cơ bản về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở những đơn vị hành chính này, từ đó mới xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp.


Bên cạnh đó, cũng theo Ủy ban pháp luật, dự thảo Luật vẫn gọi tên cơ quan hành chính ở nơi không tổ chức HĐND là UBND (khoản 2 Điều 9 phương án 1). Điều này có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tại các văn bản quy phạm pháp luật khác (cả hiện hành lẫn các văn bản sẽ được ban hành sắp tới).


Để Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới được hoàn chỉnh, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo rà soát lại những quy định về chính quyền địa phương trong dự thảo đã có trong Hiến pháp. Dự án luật phải thống nhất với các quy định trong hệ thống luật tổ chức hiện đang xây dựng như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân...


Ban soạn thảo cũng cần phân tích cụ thể những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, thuận lợi của từng phương án về mô hình chính quyền địa phương để Quốc hội thảo luận. Vì mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ quyết định phân công thẩm quyền giữa các cơ quan thuộc chính quyền địa phương; là cơ sở để xác định phương thức hoạt động của chính quyền địa phương.

 

Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN