Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang diễn biến ngày càng phức tạp khi một tòa án hàng đầu của nước này đã ra lệnh bắt giam Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi trong 15 ngày. Trong khi đó, quân đội Ai Cập đã ra “tối hậu thư” cho tổ chức Anh em Hồi giáo.
Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi tại thành phố Alexandria ngày 26/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo chí Ai Cập ngày 26/7 đưa tin, thời gian giam giữ cựu Tổng thống Morsi có thể được gia hạn khi quá trình thẩm vấn bắt đầu. Ông Morsi bị cáo buộc cấu kết với phong trào Hồi giáo Hamas của Palextin để tổ chức cho hàng loạt thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo trốn khỏi nhà tù Wadi El Natron. Ông cũng bị cáo buộc tiêu hủy hồ sơ chính thức của nhà tù và cố ý giết các nhân viên nhà tù cùng một số tù nhân.
Cáo buộc cho rằng Anh em Hồi giáo đã nhờ Hamas hỗ trợ vụ vượt ngục trong cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Morsi, trong vai trò là một thủ lĩnh cấp cao của Anh em Hồi giáo, đã nói rằng người dân Ai Cập đã giúp tù nhân trốn thoát.
Ngay sau lệnh bắt giam ông Morsi, Anh em Hồi giáo và Hamas đã bác bỏ cáo buộc của tòa án Ai Cập. Phát ngôn viên của Anh em Hồi giáo tuyên bố việc ông Morsi bị bắt giam là một tín hiệu cho thấy Ai Cập đang quay trở lại thời kỳ của cựu Tổng thống Mubarak và nó giống như “một đòn trả đũa từ chế độ cũ”. Trong khi đó, Hamas cho rằng quyết định của tòa án là một nỗ lực kéo Hamas vào cuộc xung đột ở Ai Cập.
Tối hậu thư của quân đội
Quân đội Ai Cập ngày 25/7 sau khi úp mở về khả năng sử dụng các chiến thuật cứng rắn hơn đối với Anh em Hồi đã đặt thời hạn cho tổ chức này trong vòng 48 giờ (tức là đến chiều 27/7, giờ địa phương) phải chấp thuận phương án hòa giải chính trị do chính phủ lâm thời đề xuất.
Trong một tuyên bố mang tên "cơ hội cuối cùng", các lực lượng vũ trang Ai Cập khẳng định sẽ áp dụng một chiến lược mới để đối phó với "khủng bố bẩn" sau khi kết thúc cuộc biểu tình quy mô lớn ủng hộ quân đội trong ngày 26/7.
Theo một quan chức quân đội, thời hạn chót 48 giờ mà quân đội đưa ra là "một lời mời chính trị, yêu cầu này không có nghĩa là sau 48 giờ quân đội sẽ tiến hành trấn áp". Quan chức trên cho biết "quân đội sẽ không khởi xướng động thái nào song chắc chắn sẽ phản ứng cứng rắn với bất cứ lời kêu gọi kích động bạo lực hay khủng bố của giới lãnh đạo Anh em Hồi giáo hay những người ủng hộ, đồng thời cam kết bảo vệ người biểu tình hòa bình dù họ thuộc phe phái nào".
Quân đội Ai Cập khẳng định sẽ không chĩa súng vào nhân dân, song sẵn sàng nổ súng vào bất cứ người nào dính líu đến bạo lực và khủng bố. Tuyên bố nhấn mạnh quân đội "sẽ thay đổi chiến lược đối phó với bạo lực và khủng bố phù hợp với việc đảm bảo an ninh và ổn định".
Trước tình hình căng thẳng tại Ai Cập, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 25/7 đã kêu gọi tất cả các phe phái tại Ai Cập "kiềm chế tối đa", chính phủ lâm thời đảm bảo luật pháp cũng như an ninh và an toàn cho tất cả người dân Ai Cập. Bên cạnh đó, ông Ban Ki-moon còn hối thúc quân đội "ngay lập tức thả tự do cho Tổng thống bị phế truất Morsi và các lãnh đạo của Anh em Hồi giáo đang bị giam giữ hoặc tiến hành xem xét các cáo buộc đối với những người này một cách minh bạch".
Nhật Huy