Ngày 31/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết 49 -NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, làm việc với Bộ Tư pháp. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Chủ tịch nước cùng các thành viên đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã nghe Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp báo cáo những kết quả đạt được sau 8 năm triển khai nghị quyết.
Chuyển trọng tâm sang công tác thi hành pháp luật
Đến nay, tổ chức bộ máy của ngành tư pháp được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm. Đặc biệt, các cơ quan thi hành án dân sự đã được nâng tầm thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương với 3 cấp điều hành tập trung, thống nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nghị quyết cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xác định chuyển trọng tâm của cải cách tư pháp giai đoạn từ nay đến 2020, từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án và bổ trợ tư pháp; từ giai đoạn thực hiện thí điểm sang giai đoạn phát triển, ổn định và chuẩn hóa các mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án, thừa phát lại, luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gợi mở, sau 8 năm triển khai Nghị quyết 49, cùng với nhiều mục tiêu đạt được, hoạt động cải cách tư pháp đã phát sinh những vấn đề mới trong thực tiễn. Để tiếp tục thực hiện tốt, Bộ Chính trị quyết định tiến hành tổng kết để làm sáng tỏ những vấn đề nảy sinh. Chủ tịch nước cho rằng, những ý kiến nhấn mạnh từ hội nghị tổng kết sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị cân nhắc có các quyết định tiếp theo. Chủ tịch nước hoan nghênh cán bộ, đảng viên Bộ Tư pháp đã tích cực thực thi, đóng góp nhiều sáng kiến, giúp cho Đảng, Nhà nước trong việc kiện toàn, đổi mới, củng cố hệ thống luật định tư pháp. Chủ tịch cho rằng, đối chiếu với nội dung trọng tâm được Nghị quyết 49 đặt ra, ngành tư pháp còn phải giải quyết nhiều công việc. Với những khó khăn vướng mắc còn tồn đọng, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan, làm rõ nguyên nhân, phát huy nhân tố tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong lĩnh vực cải cách tư pháp.
Vai trò trung tâm trong xét xử
Sáng 31/7, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết 49 đề ra đối với ngành tòa án. Phó Thủ tướng khẳng định: Quyết tâm đổi mới của Tòa án nhân dân tối cao rất rõ, từ việc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết đến việc xây dựng Đề án tòa án 4 cấp.
Phó Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; chưa có quyết tâm chính trị cao để thực hiện công cuộc đổi mới với tư cách tòa án là trung tâm; chưa thực sự phát huy được vai trò trung tâm trong toàn bộ hoạt động xét xử; án tồn đọng còn nhiều, tỷ lệ án hủy, sửa còn cao…
Nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 đang đi vào giai đoạn cuối, Tòa án nhân dân tối cao với tư cách là một nhánh quyền lực cần chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, góp ý toàn diện vào dự thảo, đặc biệt là chuẩn bị tốt nội dung chương về tòa án. Tòa án cần chủ động trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần tạo cơ chế minh bạch, có kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan tố tụng, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp; hoàn thành đúng tiến độ các dự án luật được giao. Tòa án nhân dân tối cao cần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, thẩm phán; tăng cường kiểm tra, giám sát, để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý những vi phạm tiêu cực phát sinh; kịp thời đề xuất chế độ tiền lương chính sách phù hợp, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, góp phần chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động tố tụng.
Chất lượng điều tra tăng lên
Ngày 31/7, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Công an nhân dân (CAND). Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Công an đã tham mưu cho các cấp, các ngành ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp và hỗ trợ tư pháp. Chất lượng hoạt động điều tra ngày càng được nâng lên, số vụ án kết thúc điều tra chiếm tỷ lệ cao (trên 80% về số vụ án và 90% về số bị can).
Công tác quản lý giam, giữ và cải tạo, giáo dục phạm nhân đã đi vào nề nếp, tổ chức và bộ máy cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.
Tranh tụng còn hạn chế
Sáng 31/7, ngành kiểm sát nhân dân đã tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 65 điểm cầu là các đơn vị trong toàn ngành.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Sau 8 năm, việc thực hiện Nghị quyết số 49 đã tạo nên diện mạo mới cho nền tư pháp quốc gia. Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích làm rõ những nội dung thực hiện chưa tốt; nêu những bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong ngành thời gian tới.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đến nay vẫn chưa đủ các quy định pháp luật bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền năng pháp lý của viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp.
TTN