Tống thống Ai Cập Mohamed Morsi ngày 2/7 đã bác bỏ “tối hậu thư” của quân đội, cáo buộc tuyên bố của quân đội có thể gây rối loạn thêm tình hình. Ông Morsi đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục kế hoạch hòa giải dân tộc.
Trước đó, ngày 1/7, quân đội Ai Cập cảnh báo sẽ can thiệp và đề xuất lộ trình chính trị riêng cho đất nước nếu các lực lượng chính trị trong nước không "đáp ứng các yêu cầu của nhân dân" trong vòng 48 giờ tới.
Lực lượng Anh em Hồi giáo đã phản đối tuyên bố của quân đội Ai Cập và cho rằng động thái này vi phạm hiến pháp, mở đường cho một cuộc đảo chính.
Trong khi đó, Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính tại Ai Cập, ngày 2/7 khẳng định không ủng hộ một cuộc "đảo chính quân sự" và cho rằng tối hậu thư của quân đội không có nghĩa quân đội sẽ nắm vai trò chính trị.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ quân đội Ai Cập sẽ hành động như thế nào trong những ngày tới. Hassan Nafaa, chuyên gia nghiên cứu về chính trị thuộc Đại học Cairô cho biết: "Quân đội không thể can thiệp trực tiếp trừ phi xảy ra những vụ đụng độ lớn và xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của đất nước". Theo ông Nafaa, nếu quân đội can thiệp bằng cách đứng lên nắm quyền như họ từng làm sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011 thì "họ sẽ không nắm quyền quá lâu mà chỉ trong một khoảng thời gian đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng".
Lê Hoàng (tổng hợp)