Tổng thống Mỹ vận động quốc hội cho đánh Syria

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các trợ lý cấp cao đã phát động một chiến dịch “tấn công chính trị toàn diện” nhằm thuyết phục quốc hội Mỹ ủng hộ cuộc tấn công quân sự vào Syria. Tuy nhiên, ông Obama vấp phải không ít khó khăn khi nghị sĩ cả hai đảng đều hoài nghi về hành động trừng phạt chính quyền Syria, còn người dân Mỹ thì ngày càng chán ghét chiến tranh.

Vận động ngày nghỉ


Trong ngày 1/9, đích thân Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho các thành viên Hạ viện và Thượng viện, triệu tập họ đến dự một cuộc họp ngắn về thông tin tình báo liên quan tới Syria với nhóm an ninh quốc gia của ông Obama. Hàng chục nghị sĩ đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ để tới cuộc họp chiều chủ nhật trong trang phục đi đánh tennis hay không mặc áo khoác.

Biểu tình phản đối Mỹ tấn công Syria ở trung tâm Los Angeles ngày 31/8.


Sau ba giờ nghe thuyết phục, không có dấu hiệu gì cho thấy nhiều nghị sĩ Mỹ thay đổi quan điểm về vấn đề Syria. Nghị sĩ Dân chủ bang California Janice Hahn nói: “Tôi rất lo ngại về việc đưa nước Mỹ tham gia một cuộc chiến nữa chống lại một quốc gia không tấn công nước Mỹ”. Nghị sĩ Hahn còn cho biết người tham gia cuộc họp “chia rẽ đồng đều” về việc có ủng hộ ông Obama hay không.


Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng liên tục xuất hiện trên truyền hình tuyên bố Mỹ có bằng chứng cho thấy chính phủ Syria dùng khí độc sarin trong cuộc tấn công ngày 21/8 khiến hơn 1.300 người chết. Phát biểu trên chương trình “State of the Union” của kênh CNN, ông Kerry cho biết xét nghiệm mẫu máu và tóc lấy từ những người ở khu vực xảy ra vụ tấn công cho thấy có dấu vết khí sarin. Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ chỉ tên chất hóa học được dùng trong vụ tấn công ở ngoại ô Damascus.

Đại diện của Syria tại LHQ, Bashar al - Jaafari, đã gửi thư đề nghị Tổng thư ký LHQ gánh vác trách nhiệm và nỗ lực ngăn chặn bất kỳ hành động hiếu chiến nào chống Syria. Bức thư cũng kêu gọi LHQ tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria.


Trong khi phần lớn nghị sĩ có vẻ tin vào thông tin tình báo cho rằng chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường, nhưng đối với họ, độ tin cậy thông tin tình báo của Mỹ lại trở thành vấn đề kém quan trọng so với mục đích, hiệu quả cũng như hậu quả không mong muốn của việc đơn phương tấn công “hạn chế” vào Syria.


Trước đó, ngày 31/8, Tổng thống Obama bất ngờ thông báo rằng Nhà Trắng sẽ hỏi ý kiến quốc hội trước khi thực hiện vụ tấn công Syria. Tuy nhiên, ông Obama không cho biết ông có ra lệnh tấn công hay không trong trường hợp quốc hội phản đối can thiệp quân sự.


Nga không tin bằng chứng của Mỹ


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/9 cho biết Nga hoàn toàn không tin vào bằng chứng mà Mỹ và đồng minh cung cấp về việc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học. Ông Lavrov cho biết có nhiều nghi ngờ về hình ảnh vụ tấn công được đưa lên mạng Internet. Theo ông, không có thông tin gì rõ ràng, không có vị trí địa lý, không có tên tuổi cụ thể và không có bằng chứng cho thấy các mẫu được lấy một cách chuyên nghiệp.


Cùng ngày, quốc hội Nga thông báo kế hoạch cử một đoàn đại biểu tới Washington để thảo luận với quốc hội Mỹ về vấn đề Syria, một chương trình được Tổng thống Putin công khai ủng hộ. “Sáng kiến này rất đúng đắn và kịp thời”, ông Putin phát biểu với lãnh đạo lưỡng viện quốc hội Nga.


Trước đó, ngày 1/9 Nga đã đưa tàu do thám Priazovye từ hạm đội Biển Đen tới bờ biển ngoài khơi Syria. Chiếc tàu bắt đầu hành trình từ cảng Sevastopol ở Ukraine tới khu vực đông Địa Trung Hải với mục đích “thu thập thông tin tình báo về khu vực đang xảy ra xung đột leo thang” và báo cáo trực tiếp về Nga.


Trong khi đó, từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc vô cùng lo ngại về khả năng hành động quân sự đơn phương chống Syria. Nước này cho rằng không nên thực hiện bất kỳ biện pháp nào cho đến khi xác định rõ thủ phạm tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN