Dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp kịp thời, nhưng tình trạng "bún bẩn" tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang là nỗi lo lớn của người tiêu dùng.
Nhiều vi phạm
Nhằm kiểm soát tình trạng bún bị nhiễm chất độc hại (bún "bẩn"), thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu hơn 200 cơ sở sản xuất bún, bánh phở trên địa bàn Thành phố phải ký cam kết sản xuất bún sạch, không hóa chất. Chủ của 200 cơ sở này đều đã ký vào cam kết. Thế nhưng, kết quả kiểm tra của Sở Y tế, sau gần 1 tuần cam kết được đưa ra, vẫn là "đâu hoàn đó".
Bún bẩn vẫn được bán tràn lan ở ngoài chợ. |
"Kết quả kiểm tra cho thấy, một số cơ sở dù đã ký cam kết, vẫn sử dụng các loại hóa chất cấm khi sản xuất bún. Một số cơ sở khác, sau khi bị phát hiện và "nêu danh", thay vì sản xuất bún sạch, lại quay sang "đổi tên" để tránh bị người tiêu dùng tẩy chay, trong khi chất lượng bún vẫn không đảm bảm" - đại diện Sở Y tế thành phố cho biết.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện chỉ có khoảng 10 cơ sở sản xuất bún, bánh phở (chiếm 5%) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Và mới đây, một trong những cơ sở này cũng đã bị rút giấy phép, do sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất.
Còn kẽ hở trong quản lý
Để có thể yên tâm chất lượng của sản phẩm bún, người tiêu dùng hiện nay chỉ biết căn cứ vào giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, do các cơ quan chức năng của thành phố cấp cho các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, giấy chứng nhận này chỉ dành cho các cơ sở sản xuất, còn với những điểm bán bún lẻ, thì không có căn cứ nào để xác định chất lượng. Vì vậy, hiện nhiều tiểu thương đã "treo đầu dê", dùng uy tín của cơ sở sản xuất bún tươi đạt chuẩn để tiêu thụ bún chưa đạt chuẩn.
Từ tháng 8/2013 đến nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 9 cơ sở sản xuất bún, bánh phở có chứa hóa chất cấm và đã giao cho Sở Công Thương xử lý. |
Theo ghi nhận của phóng viên ở một số chợ như Bà Chiểu, Thị Nghè, Phạm Văn Hai, Tân Định..., bún của các tiểu thương bán ở đây đều không có nhãn mác của đơn vị, cơ sở nào sản xuất. Và khi được hỏi bún có đảm bảo không, thì một chủ sạp bán hàng bún tại chợ Thị Nghè cho biết: “Không tin thì tôi đưa giấy kiểm nghiệm ra cho mà xem”, nhưng rồi cũng không có giấy kiểm nghiệm nào được đưa ra cả. "Thậm chí, nếu có giấy chứng nhận, thì cũng lấy gì làm căn cứ để khẳng định bún bán ở sạp đó là loại bún được cấp giấy chứng nhận", một người tiêu dùng chia sẻ.
Khi phóng viên đặt vấn đề này với đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đại diện này cho biết: Sở chỉ có trách nhiệm quản lý với các cơ sở sản xuất, còn với các sạp bán lẻ, thì trách nhiệm lại thuộc về BQL các chợ.
Trong khi đó, câu trả lời của đại diện chợ Hoàng Hoa Thám (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề quản lý chất lượng bún bán trong chợ là: Rất khó quản lý được nguồn gốc bún bán trong chợ. "Nếu như với mặt hàng thịt tươi sống thì Chi cục Quản lý thú y sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và ghi lại sổ sách nguồn hàng, thì với mặt hàng bún chỉ có thể dựa vào ý thức của người bán, họ lấy bún ở đâu về bán BQL chợ không kiểm soát được", đại diện này cho biết.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương, Sở chỉ có thể quản lý được các cơ sở sản xuất bún, bánh phở có tên trong danh sách đăng ký, còn những cơ sở sản xuất “chui” thì rất khó kiểm tra. Để kiểm tra được các cơ sở sản xuất “chui”, cần phải có sự kiểm tra, phối hợp chặt chẽ của các quận, huyện. Vì chỉ có các quận, huyện mới bám sát địa bàn và biết rõ về hoạt động của những cơ sở này.
Với thực tế này, rõ ràng việc kiểm soát bún "bẩn" mới chỉ dừng ở phần "ngọn" mà chưa làm chặt ở phần "gốc", dẫn tới tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tràn lan như hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý chưa mạnh tay cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bún "bẩn" tiếp tục tồn tại. Trên thực tế, khi bị phát hiện, các cơ sở chỉ phải nộp phạt vài triệu đồng; trong khi nếu sản xuất bún bẩn, lợi nhuận mà họ đạt được là khá lớn: Chi phí để sản xuất 1 kg bún không đạt chuẩn là khoảng 7.000 - 8.000 đồng; trong khi sản xuất bún sạch là 11.000 đồng. |
Bài và ảnh: Đan Phương