Trong những ngày gần đây tại TP Hồ Chí Minh, thời tiết diễn biến phức tạp với nắng nóng kéo dài kèm theo mưa đầu mùa khiến các loại dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát ở cả trẻ em và người lớn. Số bệnh nhân tăng cao đã khiến các bệnh viện càng thêm quá tải.
Bệnh hô hấp và tiêu hóa tăng cao
Theo ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa đã tăng đột biến trong những ngày qua. Bệnh viện quá tải đến mức người nhà và bệnh nhân phải nằm dọc các hành lang, lối lên xuống cầu thang; phòng khám thì lúc nào cũng đông nghịt trẻ em chờ khám. Tại khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong ngày 24/4 có 170 - 180 ca đang nằm điều trị.
Theo bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong những ngày vừa qua số lượng trẻ nhập viện do mắc các bệnh hô hấp và bệnh tiêu hóa gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu có chiều hướng gia tăng trở lại. Cụ thể, từ ngày 16 - 22/4 trong số khoảng 454 trẻ đến khám bệnh tay chân miệng đã có 87 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong ngày 24/4 còn 60 - 70 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Nhiễm của bệnh viện, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng nặng độ 3 - 4. Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết: “Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 - 6.500 bệnh nhi đến khám và hiện tại bệnh viện có 1.300 - 1.400 bệnh nhi đang nằm điệu trị nội trú, trong đó trẻ mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy chiếm phần lớn”.
Bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa tăng. |
Bác sỹ Trần Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhận định: “Hiện nay, số lượng trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp đang gia tăng. Với tình hình như hiện nay, vào tháng 8 tới bệnh sẽ có thể tăng rất cao vì đây là thời kỳ cao điểm của dịch bệnh. Hiện trong khoa Hô hấp có 150 - 160 trẻ đang điều trị, trong đó có 20 trẻ bị biến chứng nặng. Các biến chứng nặng của bệnh về hô hấp thường xảy ra như: Suy hô hấp nặng, phổi bị nhiễm trùng…”.
Các bác sỹ khuyến cáo: Mùa nắng nóng, sức đề kháng của trẻ em rất yếu nên rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng; đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng. Để tránh những bệnh mùa nắng nóng, phụ huynh nên giữ vệ sinh cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng đồ ăn rất dễ bị ôi thiu nên tránh cho trẻ ăn ở các quán hàng rong, vỉa hè và thực hiện ăn chín, uống sôi. Bên cạnh đó, trong mùa nắng nóng kéo dài, trẻ còn dễ mắc các bệnh lý ngoài da như: Rôm sẩy, mụn nhọt, thủy đậu… Sự thay đổi bất thường của thời tiết đang nóng nắng chuyển sang mưa giông còn tạo điều kiện cho nhóm bệnh dị ứng thời tiết như viêm mũi dị ứng, chàm, hen suyễn bùng phát… Do vậy, cha mẹ cũng chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ và đặc biệt vệ sinh thân thể cho trẻ luôn sạch sẽ.
Bệnh người lớn cũng tăng
Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn, người già cũng dễ mắc bệnh khi nắng nóng kéo dài. Trong đó số người mắc các bệnh về tim mạch gia tăng đáng kể. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, từ đầu tháng 4 đến nay đã điều trị cho gần 100 trường hợp bị đột quỵ, trong khi 3 tháng đầu năm chỉ điều trị cho 134 trường hợp. Đáng lưu ý, hiện nay, số người bị đột quỵ đang trẻ hóa, từ 30 - 40 tuổi. Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đang điều trị khoảng 180 bệnh nhân liên quan đến bệnh đột quỵ, đứt mạch máu não và chủ yếu là bệnh nhân trung niên, cao tuổi, tăng gấp nhiều lần so với các tháng trước. Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, số người điều trị do mắc bệnh này cũng tăng khoảng 20 - 30% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, bệnh nhân quai bị cũng đang tăng lên. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số người đến khám bệnh và điều trị do mắc bệnh quai bị trung bình mỗi ngày hơn 100 ca. Ngoài ra, những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cũng tăng mạnh. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do thức ăn dễ ôi thiu ở thời tiết nóng và mọi người lạm dụng nước giải khát, nước đá vỉa hè... Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa về tâm thần tại TP Hồ Chí Minh, mùa nắng nóng cũng khiến những bệnh lý thần kinh nói chung và tâm thần nói riêng gia tăng các ca bệnh mới và những người mắc bệnh cũ cũng dễ tái phát.
Ngoài ra, tại các bệnh viện lớn, các bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong những ngày qua, số bệnh nhân lớn tuổi đến khám do bị sốt, ho, viêm họng, sổ mũi cũng tăng vọt. Theo thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trung bình mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 lượt ca khám, chủ yếu về các bệnh viêm họng, cao huyết áp, viêm phổi, suy tim...
Các bác sỹ khuyến cáo: Để phòng tránh các bệnh mùa nắng nóng như hiện nay, người dân cần tăng cường sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, ăn các loại rau, củ, quả, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh thông thoáng nơi làm việc và nơi ở. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, các loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc thực phẩm, người dân không nên ăn những loại thức ăn chưa qua chế biến kỹ hoặc những loại thức ăn được bán ở nơi không đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài và ảnh: Đan Phương