Đầu mùa cưới năm nay, tôi được mời về quê dự đám cưới của đứa em con nhà ông chú. Nhà chú thím nghèo lắm, thậm chí ăn còn thiếu đói triền miên vậy mà không hiểu sao cỗ bàn tổ chức to tát linh đình quá (?!). Mặc dù là phía đằng gái, nhưng cả họ được ăn cỗ tới 3 ngày, suốt từ hôm dựng rạp chơi đầu hôm cho đến hôm dỡ rạp.
Đợi chiều hôm đưa dâu xong, tối họp gia đình tôi mới hỏi chú thím lấy tiền đâu ra mà làm đám cưới to vậy? Hay thách cưới? Thím tôi với giọng buồn buồn kể: “Nhà có tiền bạc gì đâu, cháu thừa biết còn gì. Mà cũng có thách lấy gì đâu của người ta cho mang tiếng. Tất cả tiền tổ chức cưới hỏi là đi vay. Chưa biết chính xác là bao nhiêu nhưng cũng đoán chừng gần 80 triệu đồng gì đó. Trong số ấy có 50 triệu đồng là vay lãi với mức lãi suất 5%/tháng...”. "Sao chú thím liều thế? Dám đi vay lãi để cưới! Không có thì chú thím tổ chức theo kiểu tiệc hoa, tiệc bánh kẹo cũng có sao đâu? Nhiều nơi người ta cũng thường làm vậy mà vẫn vui, vẫn lịch sự"... Thấy tôi sửng sốt, chú tôi vội phân bua: “Không được đâu cháu ạ. Mày thừa biết, tục lệ ở cái làng này, thậm chí ở cả vùng này là như vậy mà. Không hề đơn giản như cách nghĩ của cháu đâu. Lâu nay, hễ nhà ai có cưới cheo là đều phải làm cỗ. Tục trả nợ miệng mà cháu! Với lại, nếu mình không làm cỗ thì thiên hạ ai người ta đến để mà “trả nợ”, bởi qua nhiều năm chú thím đi mừng người ta, ăn của người ta nhiều rồi...”.
Quả thực là quá buồn, quá đau đầu vì cái hủ tục “trả nợ miệng” ở quê tôi! Tôi cứ nghĩ chỉ có ngày trước là vậy, ai ngờ đến tận bây giờ nó vẫn còn thế. Qua tìm hiểu từ bà con họ mạc, làng nước, tôi được biết đúng là hầu như tất tật nhà ai có cưới cũng phải làm cỗ, mà phải làm cỗ to. Ở quê, cái chuyện nhà này làm cỗ... bé, úi xùi, ít món cũng bị làng nước đem ra bàn tán cười chê rồi, huống chi là không làm cỗ…
Nghe kể rằng nhà bà cô họ xa, phía đằng ngoại của tôi, tháng trước cưới cho ông anh mất đứt 70 triệu đồng, trong khi tiền “đòi nợ” từ những cái phong bao chỉ được chưa đầy 40 triệu đồng. Với số tiền nợ lãi khoảng 30 triệu đồng kia, chẳng hiểu đến bao giờ bà cô tôi mới lo trả hết, trong khi kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng.
Ai cũng biết rằng, hậu quả của tổ chức lễ cưới với cỗ bàn linh đình thì tốn kém là điều tất yếu. Thế nhưng, như đã nói, ở nông thôn hầu như nhà nào cũng phải đi vay nên chuyện trả nợ sau cưới đã trở thành… “chuyện thường ngày ở làng quê”. Ngoài chuyện bố mẹ phải lo trả nợ, thì đại đa số các đôi vợ chồng trẻ cũng không tránh được việc bị bố mẹ chia nợ để gánh vác một phần.
Ngay như con gái của chú thím tôi, sau khi về nhà chồng chưa nổi một tuần đã... được bà mẹ chồng “thông báo” là phải gánh chịu khoản nợ 45 triệu đồng từ lễ cưới của họ. Dẫu không vui và không hề muốn một chút nào nhưng họ đành phải chấp nhận vì dù gì đi chăng nữa thì đó cũng là lễ cưới của họ mà nên nợ nần.
Thực ra, chuyện cưới xin đã có một thời gian được tổ chức đơn giản mà trang trọng, song không hiểu vì sao mấy năm gần đây người dân lại “đua nhau” tổ chức cưới xin hết sức rườm rà, lãng phí. Phải chăng là “phú quí sinh lễ nghĩa” hay “con gà tức nhau tiếng gáy”? Đó là những quan niệm hết sức lỗi thời “phục hồi” những hủ tục đã một thời bị xóa bỏ. Mong rằng người dân, nhất là người nông dân ở các vùng quê hãy dũng cảm xóa đi hủ tục, cách nhìn nhận và những suy nghĩ sai lầm để không tổ chức đám cưới rình rang, tốn kém; đó cũng là tự trút bỏ được nợ nần sau đám cưới. Hình thức cưới tiết kiệm, giản đơn nhưng không kém phần trang trọng, vui tươi đã được thực hiện ở một số nơi, một số gia đình. Hy vọng việc đó sẽ được hưởng ứng và nhân rộng trên khắp mọi miền đất nước...
Nguyễn Gia Long (Hà Nội)