Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn theo kế hoạch vay nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN. |
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại- QLN&TCĐN (Bộ Tài chính), việc trả nợ nước ngoài từ ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn đảm bảo đúng hạn theo các cam kết quốc tế, lũy kế tính đến ngày 20/6 là 840,5 triệu USD, trong đó phần trả nợ cho vay lại 343 triệu USD.
Đối với công tác giải ngân trả nợ các dự án được bảo lãnh vay trong nước, từ đầu năm đến nay dư nợ của các dự án được bảo lãnh vay là 31.818,9 tỷ đồng; rút vốn 6 tháng đầu năm nay là 650,511 tỷ đồng, trả nợ gốc là 1.633,56 tỷ đồng và lãi là 992,5 tỷ đồng.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN (Bộ Tài chính) ước tính đến ngày 26/6, dư nợ công của Việt Nam khoảng 63,7% GDP, nợ Chính phủ 53,2% GDP, đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Công tác huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt kết quả khả quan, tổng khối lượng phát hành đạt hơn 159 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch cả năm, trong đó ưu tiên phát hành TPCP kỳ hạn dài. Cơ cấu danh mục TPCP được cải thiện về kỳ hạn, lãi suất và cơ cấu nhà đầu tư, cụ thể, tính đến hết tháng 6/2017, kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP đạt trên 6,8 năm, lãi suất bình quân danh mục là 7%; tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm dần, tỷ trọng các nhà đầu tư dài hạn như các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tăng dần.
Trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã chủ trì hoặc tham gia đàm phán, ký kết 20 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá quy đổi khoảng 1,802 tỷ USD, góp phần huy động vốn cho đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước theo các nghị quyết của Quốc hội.
Số vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân được gần 1,5 tỷ USD, đạt 35% kế hoạch cả năm, tập trung vào nguồn từ các nhà tài trợ chính như: Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Hàn Quốc.
Để nâng cao hiệu quả huy động vốn trước tình hình mới, Cục QLN&TCĐN đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đàm phán giảm được lãi suất vay Nhật Bản (từ mức 1,4% xuống mức 1,2%/năm); đồng thời kéo dài thời gian áp dụng lãi suất theo điều kiện ODA cho nước thu nhập thấp của Hàn Quốc (đến tháng 7/2017 thay vì điều chỉnh ngay từ tháng 7/2016); đàm phán để áp dụng phương thức vay không ràng buộc trong các dự án của Hàn Quốc từ năm 2017 (trước năm 2017, Việt Nam chỉ được vay Hàn Quốc theo điều kiện ràng buộc).
Ngoài ra, Cục QLN&TCĐN đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ để trình các cấp có thẩm quyền quyết định một số vấn đề có liên quan đến: sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có tính chất chi hành chính sự nghiệp; giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương, công khai điều kiện vay của 6 nhà tài trợ lớn; kiểm soát giải ngân theo dự toán được giao...
Mức nợ công tính đến cuối năm 2016 của Việt Nam là 63,7% GDP, trong đó, nợ Chính phủ là 52,6%. Trước đó, Bộ Tài chính đã dự báo, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 – 2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định rằng tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 – 7% thì nợ công năm 2017 sẽ lên đến 64,8% GDP. Năm 2018, nợ công vẫn duy trì ở mức cao, vào khoảng 64,7% GDP. Và phải đến 2020, nợ công mới có thể giảm lùi về 63,7%.
Theo Bộ Tài chính, đây chỉ là kết quả dựa trên giả định, còn mức cụ thể sẽ tùy tình hình kinh tế của từng năm mà có sự thay đổi. Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công nhằm đảm bảo nợ công ở tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.