Xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) có gần 80% hộ đồng bào dân tộc Khmer. Cuộc sống tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Khmer nơi đây vẫn sẵn lòng hiến hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục tỷ đồng để làm thủy lợi. Nhờ vậy, hàng ngàn ha đất trồng lúa ngập mặn, nhiễm phèn đã được cải tạo sản xuất 2 - 3 vụ lúa trong năm, giúp hầu hết các hộ dân địa phương có cuộc sống ổn định.
Kênh thủy lợi được hoàn thành nhờ đồng bào hiến đất. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan vùng lúa rộng hơn 2.000 ha ở khu vực 3 ấp: Hương Phụ A, Hương Phụ B và Hương Phụ C - vùng đất mà trước đây luôn bị ngập phèn, nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, năng suất thấp và rất bấp bênh, anh Tống Lâm Vuông, Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: “Người dân xã Đa Lộc nghèo là do không được thiên nhiên ưu đãi, chứ không phải ngại một nắng hai sương. Từ khi có hệ thống thủy lợi nội đồng, cây lúa không chỉ làm được 2 - 3 vụ/năm, mà còn cho năng suất đạt bình quân đến 6 tấn/ha”.
Anh Tống Lâm Vuông cho biết thêm, huyện, tỉnh cũng đã đầu tư kinh phí, nhưng các nguồn vốn hỗ trợ này đều tập trung cho các công trình thủy lợi mang tính trọng điểm như: cống, đập, kênh cấp I và II. Trong khi đó, mấy ngàn ha đất nông nghiệp ở đây phải cần thêm một hệ thống kênh cấp III cho toàn vùng để nối mạch với các công trình thủy lợi trọng điểm tháo phèn, rửa mặn cho đất.
Năm 2006, Đa Lộc được huyện dành cho gần 1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng. Nhưng để làm được 24 tuyến kênh cấp III thì số tiền 1 tỷ đồng chỉ đủ thuê cơ giới đào kênh, còn nguồn vốn bồi hoàn cho dân thì hoàn toàn không có. Để giải quyết khó khăn về vốn, xã Đa Lộc quyết định thực hiện phương châm vận động người dân hiến đất. Phương án được đưa ra, nhưng Ban chỉ đạo cuộc vận động ai cũng ngại vì "tấc đất tấc vàng", hơn nữa người dân đa số là hộ nghèo. Nhưng kết quả thật bất ngờ khi ai cũng nhất trí đồng tình hiến đất. Hơn 233.000 m2 đất, trị giá hơn 23 tỉ đồng của người dân ở 3 ấp Hương Phụ A, B, C không phải bồi hoàn đã giúp công trình đào 24 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 22 km nhanh chóng được thực hiện.
Có được hệ thống kênh nội đồng, đất được tháo phèn, rửa mặn, cây lúa tăng vụ, tăng năng suất, người dân có thu nhập nên ai cũng mừng. Bà Thạch Thị Hôl ở ấp Hương phụ C, vui vẻ nói: “Hơn 5 năm nay, đất ruộng ở đây trồng lúa 2 vụ đều ăn chắc. Cuộc sống gia đình tôi nhờ vậy mà khá hơn trước nhiều". Gia đình bà Hôl thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 công ruộng, nhưng khi được vận động bà sẵn lòng hiến 500 m2 để đào kênh thủy lợi. Đồng thuận như bà Hôl, hộ anh Kim Hiệp ở ấp Hương Phụ A, đã hiến 900 m2 đất để đào kênh.
Phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đầu tháng 7/2012, khi xã Đa Lộc triển khai nguồn vốn 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 để xây dựng cầu và đường đảm bảo cho xe tải đi vào cánh đồng mẫu rộng 300 ha, thuộc ấp Thanh Trì A, Thanh Trì B, hàng trăm hộ đồng bào Khmer cũng tình nguyện hiến gần 8.000 m2 đất để công trình nhanh chóng được thực hiện.
Người dân Đa Lộc còn phát huy tốt sức mạnh tập thể để phát triển kinh tế gia đình. Hơn 500 hộ đồng bào Khmer nghèo theo vận động của các đoàn thể xã đã tham gia vào 26 tổ hợp tác để tương trợ nhau về vốn, công lao động, khoa học kỹ thuật... 4 năm qua, các tổ hợp tác được xã hỗ trợ xây dựng hơn 20 dự án giải quyết việc làm. Nhờ tương trợ nhau làm ăn, đồng vốn được bà con sử dụng đúng mục đích, có thu nhập nên nhiều hộ đã vượt qua cảnh nghèo.
Theo anh Tống Lâm Vuông, năm 2011, thu nhập bình quân trong xã đạt 12,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2006 và có 243 hộ thoát nghèo. Đây là thành quả từ sự chung sức giữa người dân với chính quyền và là kinh nghiệm tốt cho xã thực hiện những bước đi kế tiếp trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội để sớm đưa Đa Lộc thoát khỏi xã nghèo.
Bài và ảnh: Phúc Sơn