Con gái tôi có lần hỏi "Nhà báo thì làm việc gì hả bố?". Giải thích rằng nhà báo đồng thời cũng có thể là nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội thì cháu làm sao hiểu nổi. Tôi đành nói giản đơn: Nhà báo là người kể chuyện trung thực về những điều đang xảy ra xung quanh chúng ta.
Vai trò "người kể chuyện" trong một xã hội phát triển đòi hỏi những yêu cầu ngày một cao. Bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội là những vấn đề tưởng như xưa cũ, nhưng ở mỗi thời kỳ lịch sử lại đặt ra những chuẩn mực mới.
Thông tin là chức năng cơ bản của báo chí. Thông tin là uy lực của trí tuệ, là món ăn tinh thần của con người. Trong cơ chế thị trường, nhà doanh nghiệp thành đạt là người nắm được thông tin và biết phân tích và xử lý thông tin.
Vì thế trách nhiệm xã hội đầu tiên của nhà báo là cung cấp thông tin, không chỉ cho doanh nhân mà cho toàn thể mọi người. Với vị trí ở đầu nguồn tin tức, mọi thông tin mà báo chí đưa tới bạn đọc không chỉ đòi hỏi nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng định hướng chính trị, mà điều có ý nghĩa sâu xa là tấm lòng người viết. Những con số khi không được "lọc" qua tấm lòng và trí tuệ, chỉ là những con số "câm" mà thôi. Tôi nghiệm ra rằng, những bài báo có sức sống lâu bền là những trang viết thấm đẫm tình người, không chỉ có giá trị thời sự mà còn vượt qua thời gian bởi những giá trị nhân văn.
Trong những năm qua, báo chí góp phần rất quan trọng trong đấu tranh chống tiêu cực, phanh phui nhiều vụ tham nhũng, buôn lậu. Nhưng báo chí không phải là quan tòa.
Lắng nghe, ấy là biểu hiện của người viết có trách nhiệm với cộng đồng. Khi nói trách nhiệm xã hội thì bao hàm hai ý: lắng nghe chủ trương của Đảng để định hướng, lắng nghe hơi thở của quần chúng. "Nghe" thì không dễ gì viết tô hồng, cũng không dễ gì "bôi đen". “Nghe” thì thấy được cả những tiếng nói đôi khi không được thuận tai nhưng sau này có thể thành cái hay, cái đúng. "Nghe" sẽ thấy biết bao điều bổ ích, trong khi đọc hàng chồng báo cáo mà chẳng giúp ích gì lắm, ngoài con số thống kê.
Dạo nọ tôi có đến một trại giam, gặp một phạm nhân, từng là giám đốc. Người ấy cầm tay tôi khóc: "Ông còn đến thăm tôi à?". Sau đó, ông bảo: "Bây giờ mới thấy, giá như ngày đó tôi dừng lại ngay sau khi báo chí đã đăng bài về những tiêu cực của Sở chúng tôi". Sự "giá như" muộn màng, nhưng cũng là điều cảnh tỉnh đối với những người có chức có quyền khác. Điều đó cũng nhắc nhở người viết báo thấy rõ hơn vị thế xã hội, thấy rõ sức nặng của mỗi bài. Bởi, mỗi bài là cả tấm lòng.