Trang nghiêm Lễ Tế Giao năm 2012

Tối 8/4, Lễ Tế Giao năm 2012, hàng nghìn người dân và du khách đã có mặt tại Đàn Nam Giao (phường Trường An - TP Huế) đắm mình vào không gian thiêng của Lễ Tế Giao 2012. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các nghi thức tế lễ trình tự được diễn ra.

Đây là lễ tế quan trọng nhất thời nhà Nguyễn do đích thân vua làm chủ tế, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa… Với những mục tiêu tốt đẹp cầu mong mưa thuận gió hòa, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Lễ Tế Giao là một trong những lễ hội chính của Festival Huế 2012 được tổ chức theo hình thức kết hợp với quảng diễn để phục vụ nhân dân và khách du lịch tham quan, đồng thời vẫn đảm bảo hình thức uy nghi hoành tráng của nghi lễ cung đình xưa.

Người đóng vai Đức vua đứng vai trò chủ tế trong Lễ Tế Giao.


Lễ tế bắt đầu vào lúc 20 giờ với nghi lễ rước bài vị từ Trai Cung sang Đàn Nam Giao. Tại đây, lễ tế bắt đầu diễn ra trang nghiêm với hơn 850 người trong trang phục nghi lễ cung đình và các đạo cụ như nghi trượng, cờ phướn… tạo cho Lễ Tế Giao thêm phần lộng lẫy, uy nghiêm. Nghi Lễ Tế Giao diễn ra trình tự các nghi thức tế lễ trên nền nhạc kết nối với các ca chương, diễn xướng như lễ đón các thần, lễ tế ngọc và lụa, lễ tấn trở, lễ hiến tước, lễ truyền chúc, lễ á hiến, lễ ban phúc, lễ triệt hạ… thể hiện tấm lòng thành của thần dân dâng lên Trời, Đất, và các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thể hiện ý tưởng gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên và môi trường sống hòa hợp… ở lần tế lễ này, những trình thức có tính điển chế đã được phục dựng bài bản hơn và lược bớt những lễ tiết, nghi thức không cần thiết. Được biết, để Lễ Tế Nam Giao 2012 chân xác hơn, uy linh hơn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách để phục hồi 128 bộ trang phục vũ công dành cho múa Bát dật Văn và Bát dật Võ. Việc đóng các hương án, long đình, ngự liễn, may cờ quạt, làm đèn lồng… sử dụng trong lễ tế cũng được tiến hành theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đặc biệt, lễ tế năm nay còn có sự trình diễn của bộ nhạc cụ Bác chung, Đặc khánh - các nhạc cụ trong dàn Nhã nhạc vừa được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Truyền thống Quốc gia Hàn Quốc phục chế thành công.

Nghi thức dâng rượu trong Lễ Tế Giao.

Cũng như những lần tổ chức trước, Lễ Tế Giao năm nay diễn ra trong sự háo hức, mong chờ của cả người dân đất Cố đô lẫn du khách đến tham dự Festival Huế 2012. Nhiều cụ già dù ở xa nhưng vẫn bảo con cháu chở đến tận nơi để được đắm mình vào không gian thiêng liêng của lễ tế, một số người dân cùng quỳ lạy khấn vái để ước nguyện của mình hòa cùng với ước nguyện của bao người.

Quang cảnh Lễ Tế Giao.

Sau khi các nghi thức Tế Giao hoàn tất, người dân và du khách được vào lễ bái. Anh Nguyễn Văn Vũ, người dân TP Huế cho biết: “Từ khi Lễ Tế Giao được khôi phục, năm nào tôi cũng đến đây tìm vị trí thích hợp để chứng kiến sự uy nghi, tôn nghiêm của nghi lễ, đồng thời cũng bái lễ trời đất để tỏ lòng thành kính, cầu mong bình an”.

Trong hàng loạt các hoạt động sôi động diễn ra trong Festival lần này, việc tổ chức một lễ tế hoành tráng, trang trọng và linh thiêng như Lễ Tế Nam Giao là khoảng lặng để mọi người thanh tịnh lòng mình, hướng đến những ước vọng hòa bình, ấm no cho tất cả mọi người. Đồng thời, lễ tế cũng là dịp để thành phố Huế quảng bá sâu rộng hơn nữa những tinh túy của vùng đất Cố đô với những truyền thống văn hóa giàu bản sắc dân tộc.

Bài: Phương Hà ; Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN