Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 7/6 cho thấy, trẻ em phải chụp cắt lớp nhiều lần có thể có nguy cơ bị ung thư máu, não hoặc tủy xương gấp ba lần.
Một trẻ em đang được chụp cắt lớp. Ảnh: Internet |
Mặc dù nguy cơ mắc ung thư nhỏ nhưng các nhà khoa học kêu gọi giảm lượng phóng xạ trong chụp cắt lớp ở mức tối thiểu và nếu có thể thì dùng phương pháp chẩn đoán thay thế khác.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy có bằng chứng trực tiếp về mối liên hệ giữa phơi nhiễm phóng xạ trong chụp cắt lớp ở trẻ em và nguy cơ mắc ung thư khi lớn lên. Tác giả dẫn đầu nghiên cứu nói trên, ông Mark Pearce thuộc viện Y tế và Xã hội của trường Đại học Newcastle, nói: “Trong những trường hợp quan trọng nhất mới cần chụp cắt lớp và chỉ được chụp cắt lớp khi có khuyến cáo của bác sĩ”.
Theo các nhà nghiên cứu, chụp cắt lớp là một kỹ thuật chẩn đoán cần thiết và được sử dụng ngày càng nhiều trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là ở Mỹ. Tuy nhiên, chụp cắt lớp có nguy cơ gây ung thư do phơi nhiễm phóng xạ sử dụng trong quá trình này, đặc biệt là đối với trẻ em – đối tượng nhạy cảm với phóng xạ hơn người lớn.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu gần 180.000 người đã từng chụp cắt lớp khi còn nhỏ hoặc khi còn trẻ ở Anh từ năm 1985 đến năm 2002. Trong số này, 74 người sau đó mắc bệnh bạch cầu, 135 người bị ung thư não.
Theo nhóm nghiên cứu, so với những người phơi nhiễm phóng xạ trong khi chụp cắt lớp với mức dưới 5 mGy, những người phơi nhiễm tổng cộng 30 mGy phóng xạ sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao gấp 3 lần về sau. Lưu ý là nghiên cứu không so sánh trẻ phải chụp cắt lớp và trẻ không chụp cắt lớp.
Đặt trong bối cảnh đó, điều này có nghĩa là cứ 10.000 bệnh nhân chụp cắt lớp trước 10 tuổi, sẽ có thêm 1 ca bị bạch cầu, 1 ca bị u não/10 mGy trong vòng 10 năm sau đó.
Thùy Dương