Theo BS Đặng Thanh Tuấn, BV Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, đã điều trị một trường hợp bé gái 10 tuổi, nhà ở Bến Tre, do quên là mình đang ngậm kim khâu nên đã nuốt kim vào miệng.
Cháu Đ.T.T.D. ở nhà chơi với em và lấy vải may quần áo cho búp bê. Sợ em bị kim đâm nên sau khi khâu xong, cháu D. ngậm kim may vào miệng. Sau đó, cháu ăn trái cây mà quên mất là mình đang ngậm kim may. Sau đó, cháu D. có cảm giác đau ở cổ, nhưng do sợ bị mắng nên đến chiều mới nói thực với ba mẹ. Sáng hôm sau gia đình đưa cháu D. đến BV đa khoa tỉnh. Các BS đưa ngay cháu vào nội soi thực quản, thấy kim đã đâm sâu vào thực quản chỉ thấy được một đoạn chỉ. BV tỉnh chuyển ngay cháu D. lên BV Nhi đồng 1. Tại đây khi nội soi thực quản lại lần 2, hoàn toàn không thấy dấu vết của kim may. X quang ngực và CT scan cho thấy kim may đã nằm trong trung thất sau. Cháu D. được hội chẩn để lên kế hoạch phẫu thuật, điều khó nhất là cây kim không nằm ở một chỗ mà di chuyển theo thời gian. Vấn đề nữa là, mổ mở thì dễ tìm hơn nhưng vết mổ sẽ lớn và rất nhiều xâm lấn; mổ nội soi nhẹ nhàng hơn nhưng sẽ khó tìm ra cây kim hơn. Cuối cùng, các BS đã thực hiện mổ nội soi, sau hơn 3 giờ tìm kiếm cây kim trong vùng trung thất sau, các BS đã “gắp” ra được cây kim may dài hơn 4 cm, đã bị gỉ. Sau mổ, sức khỏe cháu D. ổn định dần, cháu đã hết sốt và không còn đau họng.
Tuy khá hy hữu song trường hợp của cháu D. không phải là duy nhất, tại các BV nhi cũng đã có nhiều trường trẻ cấp cứu vì người lớn bất cẩn khiến trẻ nhỏ nuốt kim, kim băng... Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ ngay tại nhà. Không ghim kim, kim băng trên gối nệm, cũng không để trong tầm với của trẻ để tránh trẻ lấy chơi và nuốt phải. Đối với trẻ đến tuổi học kỹ thuật khâu, may, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn, giúp trẻ nhận biết những nguy hiểm để cẩn thận hơn khi sử dụng kim khâu. Trường hợp phát hiện trẻ nuốt phải vật sắc nhọn, không móc họng gây ói mà nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Phương Liên